About Me

Chúng ta đang phát hiện nhân lực chất lượng cao cho nước ngoài

Nhìn cảnh những nhà vô địch Olympia, những nguồn nhân lực chất lượng cao cứ một đi không trở về như vậy khiến nhiều người xót xa cho chất lượng nguồn nhân lực của nước nhà.

Mùa Olympia lần thứ 16 vừa kết thúc, sự đăng quang đầy thuyết phục của của Hồ Đắc Thanh Chương – chàng trai đến từ lớp 12 Toán trường chuyên Quốc học Huế. Suốt quá trình leo núi của mình Hồ Đắc Thanh Chương đã chứng tỏ bản lĩnh của cậu học sinh có có kiến thức toàn diện đồng thời tỏ ra là người rất quyết đoán và bình tĩnh. Việc Thanh Chương được đội trên đầu chiếc vòng nguyệt quế mạ vàng và được nhận suất học bổng du học lên đến 35.000 USD là hoàn toàn xứng đáng. 



Thế nhưng, sau chuyện đăng quang của Thanh Chương lại là một câu chuyện khiến nhiều người xót xa. Trong buổi phỏng vấn của báo giới sau khi nhận vòng nguyệt quế Thanh Chương cũng đưa ra dự định của tương lai rằng mình sẽ trở về nước sau khi đi du học. Đây có lẽ là một dự định đáng mừng, thế nhưng sau 4 năm nữa em sẽ nghĩ gì về câu chuyện này bởi đây mới chỉ là dự định của một cậu học sinh lớp 12. 

Nhìn vào câu chuyện của các nhà vô địch Olympia trước đó hẳn nhiều người sẽ nghĩ khác. Trong 16 mùa Olympia đã qua, con số 1/15 người về nước làm việc sau khi đi du học khiến nhiều người phải giật mình. Chúng ta đang phát hiện nhân tài cho nước khác? 



Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành marketing tại ĐH Monash, Melbourne. Năm 2011, Phương Thảo về nước và làm ở một công ty quảng cáo tại TP.HCM 

Nhà vô địch duy nhất về nước là Lương Phương Thảo. Số còn lại, ngoài những du học sinh còn đang đi học, các nhà vô địch Olympia khác đã trở thành kỹ sư, tiến sĩ có vị trí và thành đạt ở nước người. Câu chuyện tại sao các nhà vô địch Olympia không trở về đã được bàn tán rất nhiều. Thậm chí, cả những nhà vô địch Olympia như Nguyễn Thành Vinh, thẳng thắn chia sẻ với báo chí rằng anh cũng đã có ý định trở về nước vì nhận thấy cơ hội không rõ ràng nên quyết định ở lại nước ngoài, nơi anh có nhiều cơ hội hơn. 

Việc về nước hay tiếp tục ở lại nước ngoài công tác và làm việc là quyền của mỗi người. Thế nhưng, nhìn cảnh những nhà vô địch Olympia, những nguồn nhân lực chất lượng cao cứ một đi không trở về như vậy khiến nhiều người xót xa cho chất lượng nguồn nhân lực của nước nhà. Số liệu từ trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Đà Nẵng cho thấy 70% du học sinh không trở về nước sau khi tốt nghiệp. Cùng với đó con số hàng ngàn cử nhân, thạc sĩ được đào tạo trong nước thất nghiệp sau khi tốt nghiệp khiến bức tranh nhân lực của chúng ta lại càng thêm ảm đạm. Cứ như vậy, những cuộc thi tuyển chọn nhân tài được tổ chức để làm gì? 

Nguyên nhân về việc những nguồn nhân lực chất lượng cao không về có thể viện ra hàng ngàn lý do từ cá nhân đến cơ chế chính sách, thậm chí cả những cú sốc văn hóa sau nhiều năm họ ăn học và đào tạo ở nước ngoài. 

Câu chuyện nhân tài ra đi vẫn là một chủ đề nói mãi, nói hoài không hết. Ngay cả trong nước, hai “miền đất hứa” Hà Nội và Tp Hồ Chí Mĩnh cũng là nơi trật ních những cử nhân, thạc sĩ họ chấp nhận thất nghiệp để tìm kiếm cơ hội còn hơn về lại quê hương nơi họ sinh ra và cũng là nơi họ “chẳng biết làm gì”. Nói chúng ta phát hiện nhân tài của mình cho nước khác qua cuộc thi Olympia có lẽ cũng chẳng có gì qua đáng. 

Có lẽ, đến lúc những nhà hoạch định chính sách cần nhìn nhận tại sao chúng ta lại xảy ra cơ sự như vậy. Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách để thu hút nhân tài, thậm chí, nhiều địa phương sử dụng cả cách nói mỹ miều như “trải thảm đỏ”… nhưng thực tế những việc đó mới chỉ là khẩu hiệu chứ chưa có tính thực tế. Nhân tài liệu có vượt qua “con các cụ” hay không, nhân tài có vượt qua được tiền tài hay không đều là những câu hỏi rất khó. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét