About Me

Chuyện thường ngày ở xứ ta "Con ông cháu cha”

Đúng là trong xã hội bây giờ có loại  “phản xạ có điều kiện”  phản ánh một thực tế hiện nay khi “một bộ phận không nhỏ” con em lãnh đạo đã trở thành lãnh đạo! Thậm chí khi thấy một đồng chí nào đó được bổ nhiệm vào cấp cao, hay thăng tiến vù vù người ta thường đàm tiếu đồng chí nầy là hậu duệ không công khai của vị lãnh đạo cao cấp tiền bối nào đó vì thấy có nét dong giống, thật ra chỉ do người giống người, hoăc thấy họ và chữ lót trùng nhau... 

Sự mặc đình nầy có nguồn gốc từ trong tiềm thức ngàn đời về chuyện  "con vua, con sải...". Nói thế cũng có khi hàm oan cho người xưa (!).
Chuyện ngày xưa. Lê Thánh Tông (1442-1497) là vị vua đầu tiên của nước ta "luật hóa" hồi tỵ. Trong bộ Lê triều Hình luật (còn gọi là Luật Hồng Đức) có qui định: "Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc".
Đến thời Minh Mạng luật hồi tỵ còn triệt để hơn: Các quan lại không được làm quan ở trú quán (nơi ở một thời gian lâu), ở quê vợ, quê mẹ, ngay cả nơi học tập thời còn trẻ. Dịch lại ở nha môn của các bộ tại kinh đô và các tỉnh, nếu là cha con, anh em ruột, anh em họ thì phải tách ra bổ nhiệm làm việc nơi khác. Các tham biện (quan chức cao cấp) về kinh đô hội họp nhưng khi bàn đến việc liên quan tới địa phương mình thì không được vào dự.Hồi tỵ có nghĩa là "tránh đi", theo đó những người có quan hệ huyết thống, đồng hương, thầy trò, bạn bè không được bổ nhiệm làm quan cùng một địa phương. Nếu gặp điều này thì phải báo với triều đình để thuyên chuyển người thân thuộc đi nơi khác.
Nguyên tắc nói trên nhằm ngăn chặn người có quyền lợi dụng chức vụ để nâng đỡ, bao che hoặc câu kết với người thân thực hiện các hành vi tiêu cực.
Rõ ràng, hơn 500 năm trước, vua quan thời phong kiến của nước ta đã sớm nắm được những qui luật khắc nghiệt giữa quyền và lợi - một qui luật của muôn đời - để tìm cách làm trong sạch bộ máy hành chính.
Nhìn qua các nước lân cận như  Hàn Quốc, báo chí trong nước đăng lại tin Bộ trưởng Ngoại giao và Ngoại thương Hàn Quốc, ông Yu Myung Hwan xin từ chức do sự giận dữ của người dân nước này về việc con gái ông Yu được tuyển dụng vào làm việc tại Bộ Ngoại giao và Ngoại thương Hàn Quốc. Có ý kiến cho rằng, sở dĩ Hàn Quốc,vào thập niên 60-70 không khác ta bao nhiêu,nhưng nay là một trong rất ít quốc gia thoát khỏi "bẫy trung bình", nhanh chóng vươn lên gia nhập vào hàng ngũ các nước có thu nhập cao vì xã hội Hàn Quốc tuân thủ nghiêm ngặt luật chơi minh bạch, không có biệt lệ, vùng cấm.

Nhìn lại nước ta, nhiều năm vừa qua hàng loạt vụ bê bối hơi hám vấn nạn con ông cháu cha (COCC) bị đưa ra ánh sáng. Thật ra nó chỉ là phần nổi của tảng băng.
Chuyện nguyên Thứ trưởng bộ Thương mại, ông Mai Văn Dâu hầu tòa và bị phạt tù cùng con trai trong vụ án chạy quota xuất khẩu hàng dệt may, chuyện nguyên chủ tịch hội đồng Quản trị tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam Đoàn Văn Kiển giao cho công ty của em trai khai thác than trái phép, chuyện cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Phạm Thanh Bình liên tục bổ nhiệm con trai, em trai giữ các chức vụ quan trọng trong tập đoàn .
Hay như chuyện đang bị phanh phui ,con vị Bộ trưởng Bộ Công thương ở tuổi 25 là ông Vũ Quang Hải đã là Tổng giám đốc CTCP Đầu tư tài chính công đoàn Dầu khí (PVFI) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Tại vị trí này 2 năm PVFI lỗ trên 220 tỉ đồng (năm 2011 lỗ 155 tỉ đồng, năm 2012 lỗ 67 tỉ đồng), ông Hải được luân chuyển về Bộ Công Thương làm Phó giám đốc trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại. Sau khoảng hơn một năm công tác tại Bộ Công Thương, lai luân chuyển làm thành viên HĐQT Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), hiện nay đang là PTGĐ mới 28 tuổi(!?).... xin nhắc lại vài đơn cử của các chuyện "đã bị lộ".
Trong dân lâu nay có câu đàm tiếu gồm 4 chữ C "con ông cháu cha" nay lại thêm 15 chữ C như sau: "con cháu các cụ cả, các cụ cứ chiếu cố, cấm cự cãi các cụ!". Trong truyền thống sinh hoạt cộng đồng của dân ta, khi có những điều chướng tai gai mắt mà người dân cảm thấy bất lực thì thường xuất hiện các chuyện tiếu lâm hay đại để như thế. Có thể xem đây là một hiện tượng phản ứng ôn hòa mà những ai quan tâm đến dư luận, có thể xem đó là chỉ báo để điều chỉnh hành vi .
Theo: Lao Động
Publish by:
Nguyen Ba Dat • Development CSU’s Programs Manager
Columbia Southern University • Faculty Development
Phone: 0932 020 974 – 08. 3910 6620 • Email: datcsu@hcm.fpt.vn


Đăng nhận xét

0 Nhận xét