About Me

Chi phí ngầm của nền giáo dục Trung Quốc

Người Trung Quốc có một câu nói “Giáo dục không nên hạ mình do sự nghèo đói”.
Nông dân cũng như trí thức, các bậc phụ huynh Trung Quốc nổi tiếng là “nô lệ của con cái”. Phần lớn thu nhập của họ thường dùng để chi trả cho chi phí trường lớp cho con em mình, vì họ coi đó là cách duy nhất để thoát khỏi đói nghèo. Song những nỗ lực của họ, nhằm giúp con em mình có được một cuộc sống tốt hơn, đang bị ngầm phá hoại khi các trường học Trung Quốc tìm mọi cách để áp đặt phụ phí lên học sinh.

Từ năm 2008 Trung Quốc đã ban hành chính sách miễn học phí cho giáo dục chín năm bắt buộc, và học sinh chỉ phải trả một khoản phí bổ sung tương đối thấp cho mỗi học kỳ (khoảng 50 USD ở cấp tiểu học). Tuy nhiên, những khoản phí mà các bậc phụ huynh Trung Quốc thực sự phải trả vượt xa con số trên – ngoài tiền học thêm sau giờ học chính khóa, một số trường học còn kiếm tiền từ các dịch vụ, chẳng hạn như sử dụng nước.
Một trường cao đẳng dạy nghề ở Trung Quốc đã thiết lập hạn mức về lượng nước mà sinh viên có thể sử dụng, và tuyên bố rằng việc này là để trau dồi nhận thức của sinh viên về sự cần thiết phải tiết kiệm nước. Các sinh viên được cấp cho một chiếc thẻ có hạn mức là 3 tấn nước, họ cần quẹt thẻ mỗi khi sử dụng nhà vệ sinh, tắm rửa và giặt quần áo. Nếu sử dụng quá giới hạn sẽ phải chịu một khoản phí bổ sung.
Thông tin này đã gây ra hàng ngàn phản hồi từ những người sử dụng Weibo.
“Có thể sẽ có nhiều sinh viên không dội nhà vệ sinh hơn”, một cư dân mạng viết.
“Hãy tưởng tượng có sáu người xếp hàng chờ đợi vào buổi sáng để quẹt thẻ và lấy nước tắm giặt … Phải chăng chúng ta sẽ vào lớp trễ hơn?” Người khác viết.
“Một mặt, họ tiết kiệm sử dụng nước; mặt khác, họ lại thu thêm một khoản phí mờ ám. Quả là diệu kế”.
Một báo cáo trên trang web Sohu của Trung Quốc cho thấy các bậc phụ huynh chi từ 250.000 NDT (37.430 USD) đến gần 500.000 NDT (74.860 USD) cho giáo dục và sự phát triển của một đứa trẻ. Ngân hàng Thế giới (World Bank) ước tính thu nhập bình quân hàng năm ở Trung Quốc chỉ vào khoảng 7.925 USD (52.940 NDT) trong năm 2016. Nói cách khác, các bậc cha mẹ đang chi tiêu tương đương từ 5 đến 10 năm thu nhập hàng năm của mình cho việc giáo dục của một đứa trẻ.
Năm 2003 Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phản hồi những khiếu nại của các bậc cha mẹ bằng cách coi các lớp học bù, cũng như những khoản đóng góp bắt buộc để làm tập san, và các chi phí về đồng phục học sinh và văn phòng phẩm là “phí loạn thu”. Có thể do áp lực từ chỉ thị này, các trường học đã thông báo những chi phí này là lựa chọn cá nhân.
Các khoản phí dao động từ những những con số khổng lồ cho đến cả những khoản vụn vặt. Nếu đứa trẻ muốn theo học ngôi trường khác so với nơi đã được ấn định từ trước, chi phí có thể là 10.000 NDT (1.497 USD) trong ba năm.
Nếu một đứa trẻ muốn có một giấc ngủ ngắn trong giờ ăn trưa, phụ huynh có thể sẽ phải trả một khoản phí là 1 NDT ( 0,15 USD) mỗi ngày, 2,5 NDT một ngày nếu đứa trẻ muốn ngủ trên giường.
Và tất cả các chi phí, lớn và nhỏ, đều được cộng dồn lên.
Tại một trường trung học ở tỉnh Hà Nam, học sinh phải trả tiền cho dịch vụ rửa chén đĩa sau bữa ăn. Đây là khoản phí mà nhà trường khẳng định là “tự nguyện” và được chấp thuận bởi phòng giáo dục.
Theo tờ báo Paper, Trường Trung học số 2 huyện An Dương, là ngôi trường kiểu mẫu của tỉnh Hà Nam, đã thu 75 NDT tiền rửa chén đối với mỗi học sinh nội trú trong mỗi năm học. Lệ phí này thậm chí còn được áp dụng cho một số học sinh bán trú không ăn cơm ở trường.
“Kế hoạch năm năm của trường: Từng bước thực hiện việc đánh phí từ phí ghi danh phòng ăn, bàn ăn, phát triển ẩm thực, rác thải, vv”, một người dùng web bình luận.
“Ở trường trung học của chúng tôi những ai không ở nội trú cũng được yêu cầu phải đóng phí nội trú”, một người dùng khác đã viết.
Trường Trung học số 2 không phải trường hợp duy nhất. Trong tháng 9 năm 2012, Trường trung học số 5 huyện Vũ An tỉnh Hà Bắc đã bị chỉ trích vì thu phí rửa chén đĩa các học sinh ăn cơm tại trường bằng bộ đồ ăn tự mang của riêng mình. Nhà trường đã trả lại khoản phí thu được sau khivụ án bị công khai.
Một trường tiểu học ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc đã tính mỗi em học sinh tốt nghiệp 243 NDT cho giấy chứng nhận tốt nghiệp, in ấn, ảnh tốt nghiệp đóng khung, âm thanh, và phí linh tinh khác.Tổng phí thu từ 700 em học sinh lên tới 170.000 NDT (25.452 USD) .
Ông Zhanyi, chủ tịch hội đồng quản trị của ngôi trường, đã biện hộ cho các khoản phụ phí.
“Nhà trường tự trang trải và không thể xoay sở để nuôi nổi [giáo viên giảng dạy và đội ngũ nhân viên hành chính]. Rốt cuộc chúng tôi cũng phải trả lương cho người ta“, ông nói với Sanjin City News.
Các bậc phụ huynh Trung Quốc dường như vô vọng trong việc đối phó với những loại phí loạn thu này. Cô Liu, người đã làm việc tại một trường đại học ở tỉnh Cát Lâm, nói với hãng tin Tân Hoa Xã của nhà nước rằng ban đầu cô đã từ chối trả tiền cho các lớp học “tự nguyện” sau giờ học chính khóa này nhưng cuối cùng cũng xiêu lòng, sau khi cô nhận ra rằng các giáo viên chỉ công bố bài tập về nhà trong những buổi học này.
“Có hơn 50 đứa trẻ trong lớp, và hầu hết chúng đã trả tiền để ở lại học các lớp sau giờ học chính … Ngày hôm sau, khi mọi người cầm nộp bài tập về nhà mà đứa trẻ nhà bạn không thể có, bạn cảm thấy xấu xa song vẫn bị trừng phạt, nhưng làm thế nào bạn có thể khiếu nại – con của bạn đang học ở đây. “, Liu nói. “Bạn chỉ phải trả tiền.”
Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc ước tính rằng các lĩnh vực giáo dục và trường học tại 19 thành phố đã thu được 502 triệu NDT (75 triệu USD) từ 2006-2007 thông qua việc chọn lựa trường (nếu cha mẹ quyết định gửi con mình đến học ở nơi khác với ngôi trường tại nơi mình sinh sống, sẽ có một khoản phụ phí), các buổi học bù, và các chi phí khác vi phạm các quy định về sổ sách, theo trang web tờ báo nhà nước Nhân dân Nhật báo.

Nguồn: Epoch Times (Eva Fu)
Posted by:

Nguyen Ba Dat • Development CSU’s Programs Manager

Columbia Southern University • Faculty Development
Phone: 0932 020 974 – 08. 3910 6620 • Email: datcsu@hcm.fpt.vn

https://vn.linkedin.com/pub/dat-nguyen/21/63b/b40 
7 Nguyen Binh Khiem Str, Dist 1 ● Ho Chi Minh ● Viet Nam
WWW.COLUMBIASOUTHERN.EDU.VN

Đăng nhận xét

0 Nhận xét