About Me

Cuộc Sống Thanh Bình Nơi Đồng Bằng Sông Cửu Long





Cũng như đa số trường hợp các nền văn hóa pha giống, tư tưởng và ưu điểm của mỗi dân tộc ở miền Nam đuợc pha trộn với nhau để đem lại lợi ích chung cho mọi người. Thí dụ người Tiều châu, nổi tiếng về tài canh nông, đã dùng khả năng chuyên môn này của mình để giúp sản xuất một số lượng thực phẩm dồi dào tại vùng đất đai phì nhiêu của đồng bằng. Nhờ vậy dân miền Nam hưởng được một cuộc sống sung túc hơn so với đồng hương của mình ở miền Bắc và Trung. Đó chính là lý do cuộc sống tại miền Nam được an bình và nhàn hạ. 

Để băng qua hằng hà sa số những dòng nước trong vùng, người ta bắc những cây cầu khỉ gập ghềnh mà chẳng phải tiêu pha chi thêm ngoài những thân tre mọc khắp nơi trong làng. Có thể khi chọn cái tên “cầu khỉ” người dân suy đoán là để băng qua cầu một cách dễ dàng, ai nấy đều cần nhanh nhẹn như khỉ cả. Có nhiều cây cầu còn không có thành nữa. 


Mặc dầu được coi là vùng nông thôn, Đồng Bằng Sông Cửu Long là một trong những nơi có tỷ lệ dân số trù phú và diện tích trồng trọt cao nhứt nước. Ngoài lúa, nơi đây còn sản xuất nhiều dừa, mía, trái cây nhiệt đới, bông hoa và tôm cá. 

Cánh đồng đầy tôm cá


Nơi nào cũng thấy có chợ nổi. Chợ nổi gắn liền với đời sống hàng ngày và với văn minh miệt vườn. Những buổi họp chợ luôn luôn nhộn nhịp, náo nhiệt, và đông đúc cho ta cảm tưởng như đang thấy trước mắt một thành phố nổi. Ở nơi này, đủ thứ hàng hóa được mua bán, trao tay. Len lỏi trong số những ghe buôn còn có các xuồng nhỏ bán nước giải khát hay thức ăn để cả du khách lẫn người buôn kẻ bán có thể ngồi trong thuyền của họ mà thưởng thức một tô hũ tiếu nóng hổi hay một tách cà-phê thơm ngọt trong khi mua bán. Miền Nam phải nhập cảng một lượng lớn cá tươi từ Biển Hồ bên Cao Miên. Cá được chở xuôi dòng tới đây bởi những ghe chài lớn bằng gỗ. Hai bên thành ghe làm bằng lưới kim loại có hai phao thật to ở hai đầu ghe. Tất cả các ghe cá này đều cặp bến tại Mỹ tho để đổ hàng lên những xe vận tải đưa cá tới Sài gòn, chợ Cầu ông Lảnh từ lúc tờ mờ sáng. 



Đồng Bằng Sông Cửu Long đã nổi tiếng về trái cây vùng nhiệt đới và bông hoa - ngay bây giờ cũng vậy. Tại tỉnh Bến Tre, các vườn dừa và vườn cây ăn trái rậm rạp tới mức ánh sáng mặt trời cũng khó soi tới mặt đất được. Vì vậy những cô gái lớn lên trong vùng này có làn da trắng mướt. Thời đó, người con gái Việt làm mọi thứ để tránh cho da khỏi bị sạm nắng. Nhiều cô còn che kín thân từ đầu xuống tới chân. 
Du khách viếng nơi đây có thể ngồi trên mui của một chiếc ghe lúc hoàng hôn để ngắm những hàng dừa dài vô tận, những ngọn đèn dầu leo lét khắp đó đây và cùng lúc nghe tiếng hò hoặc tiếng ca vọng cổ miệt vườn hòa lẫn với tiếng hót của chim ăn đêm, dế mèn, cóc nhái, và tiếng chó sủa inh ỏi. Tôi còn nhớ đã cùng gia đình hưởng nhiều kỷ niệm vui tươi như vậy. 






Đồng bằng được tạo bởi những lớp phù sa ở các vùng đất thấp gần cửa sông Mekong dài 4.500 cây số. Với ba mùa lúa trong năm, nơi đây là vựa lúa của nước nhà. Trong thời thơ ấu của tôi, lúa được gặt bằng tay và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Người nông dân dùng những máy quạt bằng gỗ quây tay để thổi đi cát, bụi và rơm. Trước Thế Chiến Thứ Hai, Việt Nam dẫn đầu các quốc gia xuất cảng gạo. 



Có rất nhiều điều để mô tả về Đồng Bằng Sông Cửu Long. Thật ra ai cũng biết là so với người Hà nội hay Huế, người “Sài gòn” cởi mở và khoan dung hơn. Ngược lại họ hay nói lớn tiếng cũng như nóng tính, cãi lộn và có khi đánh lộn, nhưng rồi sau đó họ sẵn sàng tha thứ và bỏ qua. Đây có thể là bản chất hình ảnh trung thực về con người Nam 

Trích một phần bài của tác giả Khương Hữu Điểu 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét