About Me

Suy nghĩ về một chính sách giáo dục mới: Giáo dục nhị thể (Dual education)

Trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đang suy trầm hiện tại, vấn đề giải quyết lao động và công ăn việc làm một vấn đề cốt lõi cho việc phát triển quốc gia, đặc biệt đối với số lượng đông đảo của các tân khoa tốt nghiệp hằng năm. Đây là một thách thức lớn và hướng giải quyết của từng quốc gia sẽ định mức lại sức tăng trưởng xã hội của quốc gia đó. Hiện tại Hoa Kỳ vẫn lúng túng trong việc sắp xếp “việc làm” cho những sinh viên tốt nghiệp hằng năm. Và năm 2016 số tân khoa ra trường không kiếm được việc làm đã quá ngưỡng cửa 35%.


Ở các quốc gia Âu Châu tình trạng càng tệ hại hơn nữa. Năm 2012 tình trạng không có việc làm của sinh viên tốt nghiệp là 56% ở Tây Ban Nha và 38% ở Ý. Mùa Hè năm 2016 nầy đã là một vấn nạn lớn cho các quốc gia trên vì sẽ có thêm một số lượng lớn sinh viên ra trường cần phải có việc làm.
Riêng tại Đức tỷ lệ sinh viên mới ra trường không tìm được việc làm chỉ giao động trên dưới 8% hằng năm. 

Câu hỏi được đặt ra là vì sao Tây Đức phải cưu mang người anh em nghèo là Đông Đức với tỷ lệ thất nghiệp khi thống nhất hai nước Đức trên dưới 50%, mà hiện nay nước Đức thống nhất lại ổn định mức lao động xã hội và phát triển trong chiều hướng ứng hợp với toàn cầu hóa?

Có thể trả lời ngay là nhờ chính sách giáo dục Đức đặt nền tảng trên hai khía cạnh học và hành, và cũng có thể nói đây là một chính sách giáo dục quốc gia mới trên thể giới. Đó là chính sách “Dual education”, xin tạm dịch là “Giáo dục nhị thể”. Nước Đức đã áp dụng chính sách này từ năm 1969 cho đến hôm nay.

Chính sách Giáo dục nhị thể (Dual education) 

Trong một cuộc họp gần đây, Ursula Von Der Leyen, Bộ trưởng Lao động Đức công bố trước các thành viên của Liên hiệp Âu Châu (European Union) về tình trạng thất nghiệp ở xứ này, đặc biệt đối với giới trẻ là nhờ hệ thống giáo dục nhị thể. Có ba quốc gia Âu Châu thành công trong chính sách này là Đức, Áo và Thụy Sĩ.

Đây là một chính sách truyền thống phối hợp giữa giáo dục cổ điển (trường lớp Tiểu học-Trung học-Đại học) và tập sự học nghề (apprenticeships). Việc phối hợp trên làm cho học viên vừa đi làm vừa hoàn tất học trình của mình. Do đó phần lớn sinh viên đều có việc làm ngay sau khi ra trường.

Dĩ nhiên chu kỳ học tập cho hệ thống này dài hơn lề lối học tập cổ điển, vì sinh viên phải tạm nghỉ học lý thuyết một thời gian để đi tập sự trong khi vừa học được kinh nghiệm chuyên môn và giải quyết được tình trạng tài chánh trong thời gian học.

Chính sách nào cũng có thể được xem như việc thiết lập các hệ thống giáo dục hướng nghiệp (vocational education) tại Hoa Kỳ. Chính nhờ vậy mà nước Đức vượt qua được suy thoái toàn cầu từ năm 2007 và có thêm khả năng giúp các quốc gia khác trong Liên hiệp Âu Châu như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Tây Ban Nha, v.v…

Các học sinh ở Đức sau khi tốt nghiệp trung học nếu không muốn vào hoặc không được vào đại học có thể tham gia chương trình giáo dục này; họ có thể đi làm 3 hoặc 4 ngày trong một hãng xưởng để được huấn nghiệp chuyên môn và được trả lương đầy đủ. Những ngày còn lại trong tuần họ phải đi học những lớp quy định trong chương trình giáo dục do sự tổ chức và điều hành của Phòng Thương Mại và các Hội Đoàn Kỹ Nghệ. Sau 3 niên học (không có nghỉ hè), học viên được cấp chứng chỉ và hầu hết đều được tiếp tục làm việc tại nhiệm sở mà họ đã thực tập trong những năm qua. Họ đã chính thức là nhân viên của hãng.

Đối với tuổi trẻ Đức, họ rất ưa chuộng hệ thống giáo dục này, có 2 trên 3 học sinh tốt nghiệp trung học chọn lề lối trên và họ đóng góp không nhỏ vào khoảng 350 ngành nghề đang hoạt động tại Đức, từ công việc của người thợ chuyên môn hoặc trong những dịch vụ thương mại, từ kế toán qua dược khoa, y khoa và nông nghiệp, v.v…

Chính sự thành công của chính sách này khiến cho nước Đức có một lực lượng chuyên môn có tay nghề cao, cung ứng và điều hòa được mức thất nghiệp thấp cùng duy trì sức phát triển đều đặn của quốc gia. Thêm một điểm son của chính sách giáo dục trên là nhân viên sau một thời gian làm việc có thể được tiếp tục học thêm để có những nhiệm vụ và địa vị cao hơn.

Trích bài viết của: Ts. Mai Thanh Truyết 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét