About Me

Người Việt Nam trong mắt người Nhật

Nhật Bản luôn được coi là một đất nước văn minh tiến bộ bậc nhất thế giới. Chính vì vậy, người Nhật luôn được coi trọng dù ở bất kì quốc gia nào. Vậy trong mắt những người Nhật, người Việt Nam như thế nào?

Người Nhật có rất nhiều điều khiến nhiều người Việt ngưỡng mộ. (Ảnh minh họa)


Kết quả các cuộc khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew Research tại Mỹ cho thấy có đến 77% người Việt Nam thích Nhật. Nhật Bản không chỉ có sự phát triển cao về mặt kinh tế mà còn nổi tiếng với lối sống quy củ, cách ứng xử lịch sự. Có lẽ vì vậy mà không chỉ người Việt mà nhiều quốc gia khác cũng có sự yêu mến và tôn trọng đối với người Nhật.

Vậy về phía người Nhật, họ nghĩ gì về chúng ta?

Hai câu chuyện dưới đây sẽ cho thấy cách người Nhật nhìn nhận về người Việt mà bấy lâu này chúng ta có thể không biết.

Câu chuyện thứ nhất được kể từ góc nhìn của một người công nhân làm việc với trong công ty của Nhật

"Muốn biết người Nhật thật sự đánh giá thế nào về Việt Nam thì phải nghe những câu chuyện của những người lao động trực tiếp.
Chẳng hạn như thế này, một công nhân làm cho một công ty Nhật ở Việt Nam kể lại khi một kỹ sư Nhật về nước ông ấy không ngại ngần nói với người công nhân Việt Nam: “Người Việt các anh sẽ muôn đời khổ. Đấy là vì các anh chỉ biết nghĩ đến những cái lợi lộc nhỏ của cá nhân mà không biết nghĩ đến cái lợi lớn của chung”.

Rồi viên kỹ sư minh hoạ: “Một cái vít chúng tôi phải mang từ Nhật sang giá 40.000đ mà rơi xuống đất thì công nhân Việt Nam các anh thản nhiên dẫm lên hoặc đá lăn đi mất vì nó không phải của các anh. Nhưng các anh đánh rơi điếu thuốc lá đang hút dở giá 1.000đ thì các anh sẵn sàng nhặt lên và hút tiếp cho dù nó bị bẩn chỉ vì nó là của các anh. Hay như cuộn cáp điện chúng tôi nhập về giá 5 triệu/m, nhưng các anh cắt trộm bán được có vài trăm nghìn/m. Tất cả những việc làm đó mang lại chút lợi lộc cho các anh nhưng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp vì chúng tôi phải nhập bổ sung hoăc nhập thừa so với cần thiết”.

Còn lái xe của viên kỹ sư đó thì được nghe ông ấy tặng quà có giá trị và được nghe ông ấy “tâm sự” như sau: “Tôi rất cảm ơn anh lái xe an toàn cho tôi suốt 5 năm qua. Vì anh là người bảo đảm mạng sống của tôi nên anh làm gì tôi cũng chiều nhưng anh đừng tưởng anh làm gì sai mà tôi không biết. Anh đưa đón tôi ra sân bay quãng đường chỉ hơn 30km anh khai là hơn 100km tôi cũng ký, anh khai tăng việc mua xăng, thay dầu tôi cũng ký là vì tôi cần anh vui vẻ lái xe để tôi được an toàn. Nhưng anh và các công nhân Việt Nam đừng tưởng là các anh vặt được người Nhật. Các anh nên biết rằng lẽ ra chúng tôi có thể trả lương cao hơn hoặc tăng lương nhiều hơn cho các anh. Nhưng đáng phải tăng lương cho các anh 500.000đ thì chúng tôi chỉ tăng 200.000đ. Còn 300.000đ chúng tôi phải giữ lại để chi trả bù đắp cho những trò vụn vặt hay phá hoại của các anh. Cuối cùng là tự các anh hại các anh thôi. Còn chúng tôi cũng chỉ là lấy của người Việt cho người Việt chứ chúng tôi không mất gì cả."

Phong cách làm việc của người Nhật và người Việt có rất nhiều điểm khác biệt. (Ảnh minh họa)

Câu chuyện thứ hai là của một CEO người Nhật có thời gian dài làm việc với Việt Nam

Ông Ito Junichi, CEO World Link Japan Inc từng chia sẻ: "Khi tôi mới đến Việt Nam 20 năm trước, tôi thấy người Việt Nam cũng rất chăm chỉ như người Nhật. Nhưng giờ thì tôi không còn cảm thấy điều đó nữa. Giờ tôi thấy người Việt Nam thích kiếm tiền nhưng không còn chăm chỉ như 20 năm trước nữa.

Một điều có thể thấy là người Việt Nam thường coi thường những người lao động chân tay như thợ hàn, công nhân lao động, công nhân xí nghiệp. Nhiều người trẻ chỉ thích làm trong những văn phòng tiện lợi, nhà có điều hòa.

Khi tôi còn trẻ, có rất nhiều người Nhật làm việc trong nhà máy. Và người Nhật rất tôn trọng họ vì họ là những người lao động chân tay, họ có kỹ năng thật sự. Chúng tôi tôn trọng những người trực tiếp làm ra cái thìa, cái kính vì họ có kỹ năng.

Ở Tokyo, trường đại học nổi tiếng nhất là Đại học Tokyo. Nhưng các sinh viên ở trường này nếu có đến làm cho công ty tàu hỏa của thành phố thì việc đầu tiên họ phải làm là dọn dẹp nhà vệ sinh, cắt vé. Họ phải học lao động bằng chân tay. Họ phải trải qua mọi việc từ dưới lên trên trước khi muốn trở thành sếp. Theo tôi, việc người trẻ không tôn trọng những người lao động chân tay là khuyết điểm rất lớn của xã hội.

Ở Việt Nam, giờ có nhiều người tốt nghiệp đại học, nhiều người có bằng MBA nhưng họ chưa đụng tay làm những việc thật bao giờ cả. Họ chưa bao giờ làm những công việc tay chân lấm láp. Những người trẻ đó chỉ học trên giấy tờ, đọc sách nhưng họ chẳng hiểu gì thực tế cả. Tôi có họp với những người làm việc trong các lĩnh vực như chứng khoán, ngân hàng... để bàn về đầu tư một nhà máy, những người này cần tiền để làm nhà máy nhưng họ không hiểu gì về nguyên liệu thô, quy trình sản xuất hay thị trường... Tôi hỏi thì họ bảo “sếp tôi bảo phải làm”. Những người như vậy, họ chỉ hiểu được phần ngọn, phần bề mặt mà không hiểu hết mọi thứ..."

Qua hai câu chuyện, bạn thấy gì về cách người Nhật đang suy nghĩ về người Việt?

Điều đầu tiên phải nhắc đến đó là người Nhật rất đáng khâm phục. Họ, từ một quốc gia không có nhiều tài nguyên môi trường mà vẫn có thể vươn lên đứng hàng cường quốc thế giới tất là đều nhờ ý chí và sự nỗ lực. Họ làm việc chăm chỉ và đặc biệt quy củ. Thành công của công việc luôn đặt lên hàng đầu. Họ coi trọng tất cả những sản phẩm mà họ tạo ra kể cả đó là con ốc bé tí.

Hai câu chuyện, hai góc độ khác nhau nhưng đều làm lộ ra những thói hư tật xấu của người Việt đang tồn tại và làm xấu đi hình ảnh của chúng ta. Một bộ phận không nhỏ người Việt thường đặt lợi ích của cá nhân làm hàng đầu, làm ảnh hưởng tới kết quả chung.

Hơn thế nữa, kinh tế xã hội ngày càng phát triển khiến một số người Việt bắt đầu trở nên lười hơn, lao động ít đi và hưởng thụ nhiều hơn. Không ít người trẻ bây giờ, chỉ thích nói không thích làm hay xem thường những ngành nghề chân tay.

Ngoài ra, những sự việc người Việt ăn cắp, đi lậu vé tàu xe và thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng là những điều khiến nhiều người Việt đang góp phần làm "mất điểm" ở trong lòng những con người đến xứ sở mặt trời mọc.

Sưu tầm Internet

Đăng nhận xét

0 Nhận xét