About Me

Huyền thoại "Sài Gòn" đang mất dần

Phải chăng thành phố Sài Gòn không là cái gì nếu không có lối kiến trúc theo kiểu Pháp của thời kỳ thuộc địa? Thành phố HCM ngày nay có lẽ chỉ là một đô thị Á châu lớn như bất cứ một thành phố Á châu nào khác. Số phận này đang đe dọa thành phố VN này.


Làm bối cảnh cho quyển tiểu thuyết Sài Gòn „Người Mỹ thầm lặng“ của nhà văn Graham Green, các công trình kiến trúc duyên dáng của thời thuộc địa đã trở nên nổi tiếng trong văn học. Ngày nay, nét đẹp kiến trúc của thành phố là một lôi cuốn cho du khách và không thể thiếu được trong mọi chương trình đi thăm thành phố. Tuy nhiên những kiến trúc cổ đó đang bị đe dọa.

Một rừng các cần trục nhô cao lên nền trời „Sài Gòn“, ngày nay là TPHCM. Nhà cao tầng chen chúc nhau ở chân trời ngày một nhiều. Thủ phủ lớn nhất Việt Nam và cũng là một trong những đô thị tăng trưởng nhanh nhất ở Á châu. Như nhiều dân cư thành phố, ông Trần Trọng Vũ rất đau xót trước sự thay đổi nhanh chóng này. Ðể lấy chỗ cho các nhà chọc trời xây mới, những khu phố cổ xưa bị san bằng không thương tiếc. „Những ngôi nhà này thật sự mang một giá trị văn hóa. Chúng tôi nên gìn giữ và các chứng tích này và đừng thay thế vào đó bằng các cao ốc“, ông kêu gọi như vậy. 

Ðiểm hò hẹn: Khách sạn Continental, nơi Graham Green từng trú ngụ

Cho các nhà đầu tư thì dễ như chơi

Nhiều người lo ngại rằng không bao lâu nữa TPHCM cũng chẳng khác gì bất kỳ một siêu đô thị nào ở Á châu. „Vào những năm 1960 và 1970 mọi nơi vẫn còn nét của Pháp, bây giờ tất cả ngày càng giống Mỹ: ở mỗi góc đường đều có cửa hàng McDonald“, theo ông Nguyễn Hiệp, người đã lớn lên tại TPHCM và viết nhiều sách về di sản kiến trúc của thành phố nơi ông sinh trưởng. Ông nói thêm,“Một con đường bị tước đi lịch sử của nó thì không còn giá trị nữa“. 

Người ta thấy sự tàn phá rõ rệt nhất ở trung tâm thành phố. Ngày càng nhiều những người trẻ tuổi dọn vào đây, họ muốn có một khung cảnh sống tân tiến, nơi ăn ở và chỗ làm việc. Một nhu cầu chính đáng. Nhưng ông Nguyễn nói đến một khía cạnh khác: „Ở đây chủ yếu là thật nhiều tiền và quyền lợi của các nhà đầu tư“.
Đâu đâu cũng thấy công trường xây cất: một khu nhà ở cao ốc đang thành hình trên mảnh đất 3300 mẫu

Đâu là bảo tồn di tích ? 

Các nhà đầu tư lắm tiền đã mua đứt những khu đất béo bở từ lâu. Những mảnh đất với các biệt thự cổ kính, các công thự lịch sử đang biến thành công trường xây dựng. Mới đây là việc san bằng khu bến tàu „Ba Son“ trên sông Sài Gòn. Cả một khu vực từ thời Pháp thuộc bị dẹp đi. 

Thời gian qua, chính quyền thành phố đã lập một danh sách gồm trên 1000 ngôi nhà được xây cất từ năm 1887 tới 1954 dưới thời Pháp thuộc. Trong số đó có Nhà hát Thành phố, nhà Bưu điện hoặc Vương cung Thánh đường (Nhà thờ Ðức bà). Các tòa nhà này trang điểm làm đẹp cho TPHCM: các kiến trúc đó đều là các tụ điểm hấp dẫn du khách. Còn có một vài nơi Graham Green ưa thích ở đường Catinat. Ngày nay đuờng này mang tên Ðồng Khởi và các cửa hàng nơi đây bày bán những hàng danh hiệu như Hermès và Chanel. 

Nổi lên sự chống đối 

Không có con số đáng tin cậy nào cho biết bao nhiêu trong số các ngôi nhà lịch sử đã bị tàn phá. Fanny Quertamp thuộc Hiệp hội Thiết kế đô thị PADDI đoán chừng đã có tới 50% các ngôi nhà thời Pháp thuộc trong trung tâm thành phố đã biến mất. Một làn sóng phản đối đang nổi lên chống lại sự phá cũ xây mới không ngừng nghỉ này.


Chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành của hiếm? Nhà hát Thành phố, khánh thành năm 1899
Daniel Caune, một nhà làm trò chơi Video, dấn thân cho việc bảo tồn lối kiến trúc thời Pháp thuộc. Bằng App „Heritage Go“ đang thực hiện, ông muốn đánh thức nguời dân thành phố cũng như du khách cần chú ý tới di sản kiến trúc. Khi người dùng điện thoại điện thoại smartphone chụp một toà nhà cổ, họ sẽ được xem hình và lời giải thích về lịch sử của tòa nhà đó. Chương trình App này chưa ra thị trường. Ông Caune nói „ông muốn mọi người có ý thức hơn về di sản lịch sử của họ“. Ông là thành viên của Hội “Heritage-Observatory“, làm công việc thu lượm và sắp xếp có hệ thống các ngôi nhà được xây từ thời Pháp thuộc. 

Mối lo về ngành du lịch 

Chính quyền thành phố cũng theo đuổi cùng mục đích này và đề ra một chương trình thu góp các kiến trúc thời thuộc địa. Một công tác cực lớn và kéo dài nhiều năm. Những người bảo tồn di tích lịch sử không được ai vận động cổ võ trong thủ phủ đang vươn lên này. „Ðòi hỏi thành công kinh tế và đòi hỏi tiến bộ gây áp lực rất lớn cho chúng tôi“, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng đơn vị Kiến trúc và Quy hoạch Đô thị của TPHCM. 

Trung tâm thương mại sang trọng xây theo kiểu kiến trúc thời thuộc địa
Nhiều nhà đầu tư thu mua được các mảnh đất quý giá ở Trung tâm thành phố chẳng đếm xỉa gì đến di sản lịch sử, ông nói thêm. Ông mong muốn sớm có một chương trình phát triển thành phố để chấm dứt các hành động này. Và nêu ra thí dụ như phố cổ Montreal ở Gia Nã Ðại (Canada). Sự phản đối của dân chúng và nỗ lực của một nhà thiết kế đô thị đã mang lại kết quả là từ năm 1964 khu phố cổ Vieux-Montreal hoàn toàn được đặt dưới sự bảo vệ các di tích lịch sử. Thay vì bị giựt sập, các cao ốc được tu sửa lại mới, và qua nhiều năm phát triển khu vực trở thành một nơi lôi cuốn du khách và rất được ưa chuộng.

Trớ trêu của lịch sử 

Các nhà đầu tư đã xây cất ở trung tâm du lịch Ðà Nẵng một thành phố kiểu Pháp thời Trung cổ trên châu thổ sông Hàn, gọi là „French Village“ (Làng Pháp) có nhiều tháp nhỏ, tường thành góc cạnh và đường đi lát đá. Bảo tồn di tích cổ thì không xong nhưng lại xây một thế giới Pháp thời Trung cổ theo hình thức của một Disneyland. Thật là thế giới ngược đời.

Kiến trúc sư Ngô Việt Nam Sơn tin rằng TPHCM sẽ mất hằng triệu du khách nếu nét đẹp kiểu Pháp biến mất trên các đường phố „Sài Gòn“. Chẳng khác nào một người tự cưa đi cành cây mà mình đang ngồi trên đó.

Nguồn: Mythos "Saigon" verschwindet, Deutsche Welle 07/06/2017
http://www.dw.com/de/mythos-saigon-verschwindet/a-38907557 (Dịch: Tâm Việt)

Posted by

Nguyen Ba Dat • Development CSU’s Programs Manager
Columbia Southern University • 
Phone: 0932 020 974 – 08. 3910 6620

Đăng nhận xét

0 Nhận xét