About Me

Để ′Thăng tiến trong công việc′ có còn cần không?

Thay vì gắn bó với một công việc để leo lên vị trí cao hơn, ngày càng có nhiều người chọn con đường khác: thử sức trong nhiều công việc khác nhau.

Di chuyển "sang ngang" trong sự nghiệp đôi khi giúp chúng ta tiến về phía trước nhanh hơn là theo một đường thẳng - Ảnh: AFP
Khi Nina Cheng tốt nghiệp đại học cách đây gần 10 năm, cô không nghĩ là sẽ có ngày cô đi bán ốp lưng điện thoại iPhone để kiếm thêm 350 USD mỗi tháng. Nhưng nhờ kinh nghiệm làm việc trong ba ngành ngân hàng, tư vấn và thời trang, Nina cuối cùng hiểu được bản thân muốn gì và dừng chân với công việc kinh doanh mặt hàng phụ kiện.

“Nấc thang sự nghiệp” đã chết?

“Khi mới ra trường, có được công việc là tôi mừng lắm rồi” - Nina nhớ lại. Nhưng sau đó, do quá mệt mỏi với cuộc cạnh tranh không ngừng nghỉ để thăng tiến trong công việc, Nina quyết định từ bỏ tất cả để khám phá những lựa chọn khác.

Theo đuổi ngành thời trang, Nina đã có bước nhảy vọt từ làm công ăn lương sang tự làm chủ. Hiện tại, công ty Wild and Woolly của cô đặt ở thành phố New York vận hành suôn sẻ trong mảng bán ốp lưng điện thoại và trang sức đeo tai.

Theo Nina, “nhảy việc” thật ra không dễ dàng nhưng nhờ xác định mục tiêu thu thập kinh nghiệm, cô vượt qua được những mệt mỏi và đi đến lựa chọn tốt nhất cho bản thân.

“Người lao động đang dần chuyển sang mạng lưới nghề nghiệp và không còn nấc thang sự nghiệp nào họ cần phải leo. Với “nấc thang”, mọi người buộc phải tranh giành cùng một vị trí trên cao, công thức này thật ra không dẫn đến thành công nhiều lắm” - bà Katy Tynan, chiến lược gia phát triển nhân tài thuộc Hãng tư vấn Coreaxis (Mỹ), nhận xét.

Trong một báo cáo năm 2016, Ngân hàng Barclays (Anh) cũng nhận định các thế hệ trẻ sắp trưởng thành nhiều khả năng sẽ chọn hướng “đi ngang” trong sự nghiệp thay vì “đi lên”.

Thống kê của Barclays cho thấy 24% người lao động dưới 34 tuổi hiện nay từng làm việc trong 4 ngành nghề khác nhau, so với 59% của nhóm trên 65 tuổi chỉ từng trải qua 3 ngành nghề trong suốt những năm còn lao động.

Barlays dự báo với đà này, số ngành nghề những người trẻ trải nghiệm có thể nhiều hơn cha mẹ họ đến 7 lần.

Từ ngôi sao điện ảnh, đến thống đốc rồi đến nhà hoạt động chống biến đổi khí hậu, ông Arnold Schwarzenegger (phải) đã di chuyển thành công trong mạng lưới nghề nghiệp của mình - Ảnh: AFP

Con đường không trải hoa hồng

“Để di chuyển trong mạng lưới nghề nghiệp, thế hệ trẻ cần ưu tiên xây dựng các kỹ năng mềm trong nhiều lĩnh vực khác nhau” - bà Tracy Williamson, quản lý marketing cao cấp của Barclays, cho lời khuyên.

Cũng theo bà Tracy, kinh nghiệm liên quan đến một lĩnh vực nhất định đã trở nên ít quan trọng hơn trước, thay vào đó, trọng tâm chuyển sang khả năng thích ứng với sự thay đổi nơi chốn làm việc, khả năng kết gắn nhiều mảng khác nhau và khả năng giải quyết vấn đề.

“Đi ngang” trong sự nghiệp tuy hấp dẫn và tự do, mặt khác nó lại đi đôi với áp lực. Nhiều người chọn con đường này bị mắc kẹt, không biết xử lý ra sao trước muôn vàn lựa chọn đến rồi lại đi. Nó phức tạp hơn so với theo đuổi chỉ một công việc, theo các chuyên gia.

“Mọi thứ trở nên choáng ngợp và quá tải khi cứ phải cân nhắc giữa vô số lựa chọn” - ông Evan Polman, giáo sư chuyên ngành marketing thuộc ĐH Wisconsin-Madison, nhận xét.

Theo ông, trạng thái do dự, không dứt khoát sẽ ảnh hưởng đến khả năng đẩy mạnh nghề nghiệp, khác với cách thăng tiến thông thường.

Để khắc phục tình trạng áp lực và mệt mỏi, giáo sư Evan Polman khuyên người lao động nên đánh dấu các cột mốc thành công trong quá trình tìm kiếm mục tiêu của mình. Học được một kỹ năng mới hoặc mức thu nhập tăng là những thứ có thể giúp nhận diện sự tiến bộ, không cần phải dựa vào yếu tố “thăng quan, tiến chức” theo cách truyền thống.

“Bạn cần cái gì đó tiêu biểu cho sự tiến bộ, giúp bạn cảm thấy mình đang tiến đến gần một đích đến nào đó”, GS Polman chỉ dẫn.
Phúc Long (Theo Tuổi Trẻ)

Posted by

Nguyen Ba Dat • Development CSU’s Programs Manager
Columbia Southern University • 
Phone: 0932 020 974 – 08. 3910 6620

Đăng nhận xét

0 Nhận xét