About Me

Thú chơi chim cảnh của người Hoa Chợ Lớn

Những ai đang sống ở khu Chợ Lớn ngày nay đều biết tòa cao ốc Thuận Kiều Plaza đồ sộ với ba tầng tháp, mỗi tháp 33 tầng, gồm 648 căn chung cư, nhưng hẻo thay vì lời đồn tòa nhà bị bùa yếm và có ma quỉ nên từ lúc xây xong từ năm 1999 đến nay gần như bỏ hoang.


Vậy nên người bình dân Sài Gòn mỗi lần đi qua tòa nhà này, họ không gọi tên nó là Thuận Kiều Plaza mà gọi tòa nhà ba cây nhang, còn với người không tin dị đoan thì gọi đó là tòa nhà của dân chơi chim.

Từ phía mũi tàu đâm ra đường Thuận Kiều là nơi có sân phơi chim vào loại lớn nhất của cả Sài Gòn. Dân chơi chim cảnh ở đây ai cũng hả hê, vì bởi họ được tự do biến quảng trường tòa cao ốc với số tiền xây dựng hơn 55 triệu đô la ở thời điểm năm 1999 thành một sân phơi chim, mỗi sáng, mỗi chiều họ đem chim cảnh ra phơi nắng, tụ thành lớp cho chim học hót, thành trường đá chim, thành chợ bán mua chim…

Thật ra từ trước khi có tòa cao ốc Thuận Kiều Plaza, khu vực ở giao lộ Thuận Kiều-Hồng Bàng đã là nơi tập trung các tiệm bán chim cảnh, thực phẩm và tất tần tật mọi thứ vật dụng cho giới chơi chim.

Không ở đâu có đông người chơi chim bằng khu Chợ Lớn và không có gì quá đáng khi cho rằng thú chơi chim cảnh là một phần văn hóa truyền đời của người Hoa ở Chợ Lớn.

Ở sân chim Thuận Kiều Plaza, giới sành điệu chơi chim chỉ cần nhìn qua chủng loại chim mà người chơi đem ra khoe là hiểu về sự khác biệt giữa dân chơi Hoa và Việt.

Phải nói đa số chim cảnh ở đây là chim khoen (người miền Nam gọi là chim vành khuyên, chim sâu). Hỏi chuyện một anh chàng người Hoa chừng khoảng 30 tuổi, anh chàng có tới 3 cái lồng nuôi chim khoen đang phơi nắng


Anh nói: “Ngộ hổng rành, ngộ nghe người ta nói chơi chim khoen cho hên, vì nói tên nó nghe leng keng như tiếng đồng tiền vàng, nó hót, nó líu giọng kim rất hay.” Các tiệm nước, cửa hiệu hay phòng khách nhà phú gia của người Hoa trước 1975 thường có đôi ba lồng nuôi chim khoen, ngày nay dân chơi cũng không tiếc tiền mua sắm đồ chơi cho chim khoen như cây chim đứng bằng ngà voi, cóng đựng thức ăn bằng gốm sứ quí hiếm, qua đó cho thấy việc họ tin chơi chim khoen cho hên, cho giàu, cho đổi đời cũng chẳng có gì khó hiểu.

Giống chim cảnh chào mào mà người Việt từ miền Ðông, miền Trung, miền Bắc rất khoái chơi hầu như ít thấy ở sân chim này. Ở sân chim này hầu như không thấy các giống chào mào quí như chào mào cung đình Huế, hồng y giáo chủ, nữ hoàng, bạch tạng… những loại đại gia Việt mới phất sẵn sàng bỏ ra từ vài chục triệu đến cả trăm triệu để chơi.

Một nhạc sĩ từng dạo sân chim Thuận Kiều này nói: “Rừng nào chim đó mà. Anh có đưa lại sân này chục con hồng y giáo chủ cũng không ai biết giá trị mà bu vô ca ngợi đâu.”

Hẳn nhiên các giống chim quí hiếm đắt tiền nhất mà người Việt lẫn người Hoa ở sân Thuận Kiều đều ưng ý, xếp theo thứ tự là chim sơn ca, họa mi và chích chòe… Nhưng thời thế Sài Gòn-Chợ Lớn ngày nay thay đổi cũng khiến người chọn chim để chơi cũng thay đổi theo hướng tầm thường hơn.

Ví như trước đây thấy ai mang lồng chim sơn ca ra sân là biết tay chơi đó ở hạng bề trên. Chim sơn ca là loài hót tiếng quí phái, có bài bản hay nhất trong các loài chim. Dân cự phú gốc Hoa ở Chợ Lớn trước 1975 chỉ thích chơi chim sơn ca Hồng Kông. Ngày nay lâu lâu mới gặp được một tay chơi sành điệu chọn chim sơn ca Bãi Cháy-Quảng Ninh, Huế, Ðà Nẵng, Hóc Môn để chơi…


Ở sân chim Thuật Kiều plaza này hàng tuần cũng có đôi ba độ đá chim, tiền độ một hai triệu bạc để gọi là cho thỏa máu mê đỏ đen; nhưng nét chính vẫn là nơi người chơi tụ lại để ngồi ngắm chim mình, chim người rồi tự sướng với vẻ đẹp hình thể của các loài chim và cho hả cơn ghiền tiếng chim hót.

Hàng ngày nhìn cảnh hàng chục có khi hàng trăm người, có người đèo trên xe máy cả ba, bốn cái lồng chim đến sân mà nghĩ: Sài Gòn-Chợ Lớn ngày nay đang trong vấn nạn tiếng ồn, tiếng chim hót không hợp với không gian ngàn vạn âm thanh tạp nham đến đau đầu điếc tai.

Nhưng dù chuyện mê chim cảnh có trớ trêu mấy đi nữa thì với người mê chim cảnh vẫn đáng quí khi tha thiết với việc nương theo tiếng chim để hồi tưởng, níu kéo lại những ngày Sài Gòn thanh vắng, êm đềm.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét