About Me

Với Người Sống Bận Rộn...

Theo một cuộc khảo sát trên 36 quốc gia, hơn 25% người cho biết họ thường cảm thấy mình bị ở tình trạng ‘gấp gáp’, ngay cả trong thời gian rảnh rỗi! Trẻ con cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng này.
Ảnh minh họa
Khi cố làm nhiều hơn những gì thời gian cho phép, chúng ta có thể bị căng thẳng, trở thành nạn nhân của “áp lực thời gian”. Liệu chúng ta có thể sống thăng bằng hơn không? Giờ ta hãy xem qua bốn lý do khiến người ta trở nên quá bận rộn:

1. Ta muốn chu cấp đầy đủ cho gia đình:

Mặc dù có ý tốt nhưng cha mẹ cần xem xét thứ tự ưu tiên cho cuộc sống của mình. Theo vài nghiên cứu, những người lớn và trẻ vị thành niên nào quá xem trọng tiền bạc và của cải thường ít được hạnh phúc và toại nguyện hơn, thậm chí sức khoẻ cũng yếu hơn so với những người không đặt nặng vấn đề vật chất.

Vì nổ lực giúp cho con mình thành công trong tương lai, một số cha mẹ đã ép con cái tham gia rất nhiều hoạt động và chính họ cũng bị cuốn theo những hoat động đó. Hậu quả cả hai đều bị mệt mỏi.

2. Vì tin rằng: “Có càng nhiều càng tốt”

Các nhà quảng cáo khiến cho chúng ta tin rằng nếu không mua những sản phẩm mới nhất thì ta sẽ bị mất mát điều gì đó. Tạp chí The Economist bình luận rằng: “Số lượng hàng hoá bùng nổ khiến ngừơi tiêu dùng luôn cảm thấy thiếu thời gian vì phải vắt óc suy tính để chọn mua gì hay ăn thức gì trong khoảng thời gian có hạn của mình.”

Hồi năm 1930, một kinh tế gia hàng đầu đã tiên đóan rằng sự tiến bộ về công nghệ sẽ giúp người ta làm việc ít thì giờ đi. Ông đã sai lầm! Bà E. Kolbert, ký giả của tờ New Yorker cho biết rằng thay vì về sớm để nghỉ ngơi, người ta lại làm thêm để có tiền mua nhiều thứ hơn và những thứ này đòi hỏi sự trả giá bằng thời gian nhiều hơn!

3. Vì muốn đáp ứng kỳ vọng của người khác

Một số nhân viên làm việc nhiều giờ đến kiệt sức để làm hài lòng chủ. Các đồng nghiệp có thể tạo áp lực khiến ta thấy áy náy nếu không tăng ‘ca’. Kinh tế bất ổn khiến cho ngừơi ta sẵn lòng làm thêm hoặc có mặt tại sở làm bất cứ giờ nào. Các bậc cha mẹ cũng có thể bị sức ép khi chạy đua theo các gia đình khác. Nếu không làm vậy, họ bị ray rức vì để con mình “chịu thiệt thòi, thua kém”. 

4. Theo đuổi thành công để tạo cho mình một hình ảnh là một người quan trọng

Một thanh niên cho biết: “Tôi yêu thích công việc và luôn làm việc cật lực. Tôi thấy cần phải chứng tỏ mình là người thành công.” Nhiều ngừơi cũng rơi vào trường hợp này và nghĩ hình ảnh của bản thân mình có liên quan với nhịp độ sống dồn dập. Bà E. Kolbert, đã được nói trên, nhận xét: “Xã hội đang thần tượng hoá hình ảnh “một con người bận rộn”. Bà nói thêm: người ta tin rằng: “Càng bận rộn, người đó càng có vẻ quan trọng!”

Thật ra chúng ta nên cần mẫn và chịu khó làm việc nhưng phải biết giữ ở mức thăng bằng. Sống thăng bằng giúp ích cho sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta. Để được như vậy, chúng ta hãy dựa vào bốn bí quyết sau đây:

1. Lo cho gia đình được ổn định phần nào về vật chất là chuyện bình thừơng nhưng kiếm bao nhiêu tiền là đủ? Thế nào là thành công? Tiền lương và của cải có phải là thứơc đo của thành công không?

Ngược lại thì nghỉ ngơi và vui chơi quá nhìêu cũng là một điều không có lợi vì để lãng phí đi thời gian. Ta hãy khách quan xem xét lại lối sống và quyết định đơn giản hoá. Ta ghi ra để xét duyệt tình trạng sống hiện tại của mình và đề ra những mục tiêu mới. Ta hãy thảo luận về những quyết định đã làm xem chúng đã ảnh hưởng như thế nào về đời mình và cần làm gì để thực hiện những mục tiêu mới.

2. Đừng để bị ảnh hưởng bởi thứ “văn hoá tiêu dùng”

Quảng cáo thương mại có thể kích thích sự ham muốn đó, thúc đẩy ta làm thêm nhiều giờ hoặc vui chơi quá độ. Đúng là ta không thể tránh hết được mọi hình thức quảng cáo nhưng ta cần hạn chế bị ảnh hưởng bởi chúng và suy xét kỹ những điều gì mình thực sự cần.

Ngoài ra ta nên để ý là bạn bè có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến ta. Nếu họ là những ngừơi mải mê theo đưổi vật chất hay đo lường sự thành công bằng của cải thì ta nên lánh xa họ để kết bạn với những ngừơi biết dành ưu tiên cho một cuộc sống có chiều sâu. “Ai đi với người khôn ngoan sẽ trở nên khôn ngoan.”

3. Đặt giới hạn cho công việc

Quyển sách có tưạ đề là “Làm để sống” (Work to Live) nhận xét là thường những ai biết đặt ranh giới giữa công việc làm và gia đình hoặc biết dành thời gian ra nghỉ ngơi sẽ có được sự thoải mái về tinh thần và sự hoà hợp trong gia đình.

4. Dành ưu tiên thời gian cho gia đình

Vợ chồng cần có thời gian bên nhau và con cái cũng cần có thời gian với cha mẹ. Hãy tránh sống theo nhịp độ của những gia đình lúc nào cũng bận rộn. Khi gia đinh ở bên nhau, đừng để ti vi, điện thoại hay iPhone, iPad làm tách biệt người trong nhà với nhau. Nên thường dùng bữa chung với nhau và tận dụng thời gian đó để trò chuyện. Có như vậy con cái ta thường thấy vui vẻ, khỏe mạnh và học hành có kết quả hơn.

Tóm lại, ta hãy tự hỏi: “Tôi muốn một đời sống như thế nào? Tôi muốn gì cho gia đình mình?” và đặt ra những ưu tiên để theo đó mà thực hành thì ta sẽ có được một cuộc sống an nhàn và hạnh phúc.

Posted by

Nguyen Ba Dat • Development CSU’s Programs Manager
Columbia Southern University • 
Phone: 0932 020 974 – 08. 3910 6620

Đăng nhận xét

0 Nhận xét