About Me

Startup Việt

Hà Nội đang vào lạnh. Những ngày gần lễ Thanksgiving, tôi chợt dưng da diết nhớ cái không khí gia đình quần tụ và món gà Tây. Trời Hà Nội dẫu u ám nhưng cái nắng vẫn ám ảnh phụ nữ Hà thành. Họ tránh mặt trời như chuột chũi tránh nắng. 


Nắng làm tôi nhớ về Nương, một cô gái trẻ, chủ tiệm phở Nắng trên đường Lạc Long Quân cứ huyên thuyên với tôi về cái cơ nghiệp mấy tháng mới mở của mình. Cô hàng phở, vẫn còn nguyên bộ niềng răng, tự bạch rằng từng làm cho các công ty marketing và AC Nielsen. Cô nàng khoe là dân văn phòng nhưng sự ám thị về nghề nghiệp nấu phở là thấp kém vẫn chưa dứt khỏi. Và sự khởi nghiệp ở Việt Nam sau khi nền kinh tế rơi vào bế tắc có thể thấy trên khắp các phương tiện truyền thông. Trên TV, báo chí và sách vở… Dường như nó đã trở thành phong trào kích thích tâm trí nhiều bạn trẻ bỏ việc ra ngoài kinh doanh, trong đó có cả những trào lưu làm giàu cấp tốc như kinh doanh đa cấp, những sàn giao dịch vàng và bitcoin (tiền ảo) trên thị trường. Có một thực tế là sau một thời gian kinh tế đình đốn, vay vốn ODA nước ngoài khó khăn. Và các hoạt động tài chính công đầy thất thoát thì cách duy nhất để huy động vốn tư bản bơm vào guồng máy kinh tế là hô hào mọi người khởi nghiệp, xuất tiền túi của cá nhân để rót vào thị trường. 

Hẳn nhiên, đã có quá nhiều những cuốn sách viết về tinh thần khởi nghiệp của những tập đoàn như Google, Apple, Amazon, v.v… Tất cả những điều này đều thúc đẩy tinh thần hào hứng trong thế hệ trẻ Việt Nam. Gần đây nhất là hiện tượng Jack Ma của Alibaba mà đã có một tay “trẻ trâu” phải bay từ Sài Gòn ra Hà Nội để liếm giày cho tay tỷ phú Ma này. Có những bạn trẻ xin tiền gia đình mở quán café, mở quán bán bún chả, dốc vài trăm triệu để mở tiệm. Nhưng ít người trong số họ hiểu rằng trong một hệ thống mạng lưới bùng nhùng đầy thứ bất định như thuế vụ, dân phòng, cảnh sát khu vực, … Bất định chứ không phải rủi ro. Ðó là trạng thái mà nhiều người không có khả năng kiểm soát được. 

Cô hàng phở Nắng cũng dường như khá hoài tưởng về một tiệm phở sang chảnh theo kiểu chic và trendy, một mình đứng ra bán từ sáng đến tối. Tôi cảm nhận rõ sự tuyệt vọng của cô hàng phở, liên tục chẳng chịu dừng lời để tôi ăn hết tô phở nóng. Cô hàng kể lể những chuyện vặt vãnh từ việc khách Tây cho tiền tip ra sao, hay cả chuyện khách ăn xong lại tự bưng tô bỏ vào bồn rửa bát giùm. Thực ra, có lẽ họ làm với một tinh thần hỗ trợ cô chủ quán mong manh này. Thực khách thì chỉ cần quán xá sạch sẽ, bài trí gọn gàng, phở ngon và được ung dung thưởng thức bữa ăn của mình. Tôi chẳng cần biết mấy thứ bí quyết nấu phở cho thêm rau củ vào. Chính xác là vì nước dùng dù Tây hay Ta thì cũng tùy biến theo đầu bếp. Và chuyện cho rau củ vào là quá bình thường như cách bouquet garni ở trong nước dùng của Tây phương. Ở đây, phở bò và phở gà chung một nồi nước lèo thì quả là thảm họa! Rồi cái tô phở đùi gà chỉ lèo tèo vài miếng thịt mỏng gió bay, vừa ăn tôi vừa mường tượng đến tô phở “không người lái” thời bao cấp chỉ nước lèo, không thịt.

Ðôi khi, do sự thành công chớp nhoáng trong việc huy động vốn hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp của mình mà giới trẻ Việt đã lao đầu theo cách lớn càng nhanh, càng tốt. Ðó cũng là hiện thực của nền kinh tế Việt Nam, quá chú trọng vào tăng trưởng mà quên mất sự trưởng thành bền vững cần thiết của một nền kinh tế. Họ chỉ thích bày ra ngoài bề mặt tủ kính những gì hào nhoáng nhất. Như cách thể hiện ở “từng cấp độ”. Ở cấp độ thấp là sự phô trương về quần áo điện thoại, cấp độ doanh nghiệp vừa và nhỏ là mở hàng loạt tiệm, và cấp độ quốc gia là sự “gồng mình” đẩy chỉ số tăng trưởng GDP mà quên mất các tiêu chí về lạm phát, phân cực trong xã hội và sự hủy hoại về môi trường. Một ví dụ nhỏ trong việc khởi nghiệp của giới trẻ Việt, có thể thấy trong chuỗi “The Kafe” đã sập tiệm cách đây vài tháng. Với dòng vốn huy động từ các quỹ venture capitalist, cô chủ trẻ nhanh chóng đánh mất quyền kiểm soát khi chỉ chú trọng vào tăng trưởng về quy mô. 

Bề nổi của những người mới tập tành trong một xã hội đa dạng, nên câu chuyện về quán phở thì chẳng có gì lạ, cái rộng hơn là câu chuyện trong nền kinh tế. Thực chất thì nền kinh tế Việt Nam vận hành bởi những đòn bẩy như trước thời kỳ mở cửa thì được thở bằng tiền viện trợ của khối Warszawa hay còn gọi là Vác sa va và một chút kiều hối. Sau này thì lượng kiều hối ngày càng chiếm tỷ lệ quan trọng và bên cạnh đó là tiền vay ODA lãi suất thấp. Nhưng hiện tại khi nền kinh tế Việt Nam được liệt vào nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thì không còn vay ưu đãi giá rẻ nữa. Bằng mọi cách phải xoay sở tư bản để rót vào nền kinh tế. Thay vì bơm tiền vào các công ty nhà nước thì người ta nghĩ ra cách kêu gọi mọi người khởi nghiệp, là tư nhân tự xuất vốn để “bôi trơn” cho nền kinh tế. Nhưng có những yếu tố quan trọng là hệ thống pháp lý và hệ thống tín dụng không rõ ràng tạo môi trường kinh tế không ổn định. Thế nên, đây là một trò chơi mạo hiểm mà người tham gia phải tính được khả năng rủi ro xảy ra. 

Không chỉ cô hàng bán phở, một cậu bạn là cơ thủ danh tiếng từng dành huy chương vàng SEA games cũng mở ra hàng loạt những phòng chơi billiard, và cũng phải âm thầm dẹp tiệm. Hẳn nhiên, còn có nhiều thành viên khác cũng muốn bứt ra khỏi cơ chế già nua. Mặt trái của nó là khi nhìn thấy sự bất ổn định tăng cao thì người ta lại lao đầu vào những ngành nghề ổn định nhất trong thể chế này. Và nực cười thay đó là những ngành như công an, bộ đội… một sự suy thoái tư tưởng của giới trí thức trẻ tương lai. Bức họa hiện thực mà Việt Nam đang diễn ra với những dấu trái chiều cứ như chan chát vào nhau. 

Một lần, tôi trò chuyện thân mật với một người bạn làm CEO trong một công ty bảo hiểm nước ngoài ở Hà Nội. Cậu bạn mở lòng về việc muốn ra ngoài làm việc, làm chủ một doanh nghiệp của chính mình chứ không phải làm một con đinh ốc trong hệ thống. Tay bạn ngồi cùng bàn đùa rằng, “Ông lại xem TV nhiều quá rồi!” 

Một điều may mắn cho những người khởi nghiệp trong ngành “trên mạng” là do giới quản lý không quá rành về những giao dịch trên đó. Nên thấp thoáng bóng dáng những Nguyễn Hà Ðông là indie developer, những nhà phát triển phần mềm độc lập. Vì những người như Nguyễn Hà Ðông với trò chơi “Flappy Bird” nổi tiếng trên “chợ ứng dụng” App Store đã không bị quấy rầy bởi thuế vụ, quản lý thị trường, tổ dân phố, các cơ quan ban ngành với đủ những phiền hà hành chính. 

Thế nên, một tay bạn tôi đã từng khẳng định như thể đinh đóng cột rằng, “Ở Việt Nam nếu khởi nghiệp thì nên khởi nghiệp ở những ngành mà những tay quản lý hiểu ít nhất!” Một đặc tính khác của người Việt ở đây là dù có ca thán thực phẩm bẩn thì cậu bạn kinh doanh rau sạch của tôi vẫn phải đổ đi 30% lượng rau không tiêu thụ được hàng tuần. Tinh thần “sống chung với lũ” đã trường tồn trong đầu óc những con người ở đây hàng thiên niên kỷ. Lách được coi là sự khôn ngoan và đúng đắn thì bị coi là khờ dại! Chẳng thể “tô hồng bằng số liệu” bằng những tượng đài hay dãy xe Audi hàng loạt phục vụ APEC. Vì sau mỗi cơn bão lũ “hoành tráng”, con rồng cháu tiên lại trở về với sự trần trụi hồng hoang thuở nào!

Tác giả bài viết: Đặng Mỹ Hạnh


Đăng nhận xét

0 Nhận xét