About Me

Lý do các trường kinh doanh tại Mỹ đầu tư vào trí tuệ nhân tạo?

Tại Trường Kinh doanh Harvard (HBS), các sinh viên MBA đang nghĩ đến một tương lai mà robot thống trị đường phố. Những công ty đi tiên phong về phát triển xe không người lái như Google và Tesla đang vẽ ra cho sinh viên MBA một thế giới tương lai mà tại nơi đó, trí tuệ nhân tạo (AI) và ngành khoa học robot có thể sẽ tác động đến toàn bộ thị trường lao động và nền kinh tế toàn cầu.


David Yoffie, Giáo sư Quản trị kinh doanh Quốc tế tại Trường Kinh doanh Harvard, tin rằng những công nghệ phá bĩnh như vậy giờ là “một phần quan trọng” trong bức tranh của các trường kinh doanh. “Điều mà tôi đang dạy cho sinh viên là các công nghệ này mang lại những gì? Các công ty ứng dụng AI sẽ đứng trước những thách thức nào và đâu là cơ hội cho họ?”, ông nói.

Không chỉ Harvard, Trường Quản trị Sloan của Viện Công nghệ Massachusetts, Trường Insead (Pháp) và nhiều trường khác gần đây cũng đã đưa thêm vào chương trình giảng dạy các khóa học MBA về quản trị các ứng dụng và thuật toán để giúp đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác hơn. “Các trường kinh doanh đang đưa AI hoặc nội dung về khoa học dữ liệu nhiều hơn vào chương trình học”, Giáo sư Vasant Dhar từ Trường Kinh doanh Stern và Trung tâm Khoa học Dữ liệu, nhận xét. Trường Stern cung cấp các khóa học về kỹ năng xử lý dữ liệu cơ bản cùng với các ngôn ngữ lập trình như Python và giới thiệu bước đầu về học máy (machine learning).

Chương trình MBA tại HEC Paris (Pháp) thì sử dụng năng lực máy tính Watson để xem liệu doanh nghiệp có thể nhờ cậy công nghệ để tìm kiếm các cơ hội tạo ra doanh thu. Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cũng đang quay sang AI để giúp tăng sức hấp dẫn và hiệu quả của chương trình MBA và đào tạo sinh viên MBA ứng dụng các quy trình học máy vào kinh doanh. Chủ tịch NUS Tan Chorh Chuan cho biết NUS mong muốn chuẩn bị cho sinh viên cách kết hợp và sử dụng những tiến bộ trong khoa học và công nghệ.

AI kết hợp khả năng lập luận của bộ não con người với năng lực xử lý của máy tính như trợ lý ảo Siri của Apple hay Alexa của Amazon.com. Các doanh nghiệp đang ngày càng ứng dụng công nghệ này vào việc quản lý, phát triển các thuật toán mà có thể giải mã khối dữ liệu khổng lồ hoặc hỗ trợ các nhà điều hành doanh nghiệp trong quá trình đưa ra quyết định. Chi tiêu vào các công nghệ trí tuệ nhân tạo dự kiến sẽ tăng lên mức 47 tỉ USD vào năm 2020 từ con số ước tính 8 tỉ USD năm nay, theo hãng nghiên cứu thị trường IDC.

Các trường học cho rằng xu hướng này có nghĩa là các sinh viên MBA không thể “cưỡi ngựa xem hoa” khi học AI; các nhà điều hành phải “nằm lòng” các phương pháp quản lý phát triển ứng dụng và thiết kế các thuật toán trên nhiều mảng kinh doanh khác nhau của doanh nghiệp, theo Brian Uzzi, Giáo sư Trường Quản trị Kellogg thuộc Đại học Northwestern. Ông là người đồng phát triển 3 khóa học AI cho các học viên MBA. Uzzi nói rằng các lớp học thỏa mãn được nhu cầu của sinh viên.

“Họ muốn được tuyển dụng bởi các hãng công nghệ tốt nhất trên trái đất này. Họ muốn xây dựng các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào việc phân tích dữ liệu. Họ muốn trở thành các nhà lãnh đạo và các nghệ sĩ có tính sáng tạo”, Uzzi nói. Uzzi lấy dẫn chứng về Tesla Motors và CEO Elon Musk của hãng sản xuất xe điện này và xem đó là hình mẫu cho ứng dụng AI.

Vào tháng 4, Kellogg dự định giới thiệu khóa học “Con người và học máy”. Đây là khóa học không bắt buộc có thời lượng 10 tuần. Các bài tập trong lớp học sẽ thử thách sinh viên “tìm hiểu làm thế nào có thể “cân đo” nỗ lực của con người” bằng cách sử dụng AI và khám phá “những lĩnh vực khác mà con người có thể sử dụng các khái niệm này và ứng dụng chúng”, Adam Pah, giảng viên hướng dẫn tại Kellogg, cho biết.

Sinh viên sẽ làm các bài kiểm tra về tính cách theo phương thức truyền thống, sau đó so sánh các kết quả này với những hồ sơ được tạo ra bằng thuật toán; các hồ sơ này được sàng lọc từ thông tin trên Facebook về những điều họ thích và không thích. Giảng viên hướng dẫn sẽ yêu cầu sinh viên quyết định hồ sơ nào trong số đó mô tả chính xác nhất tính cách của họ. Các sinh viên cũng sẽ học cách làm thế nào họ có thể sử dụng các hồ sơ do AI tạo ra để xây dựng các nhóm nhà lãnh đạo dựa trên tính cách và kỹ năng của từng người.

Mục tiêu lớn hơn, theo ông Uzzi, không phải là tạo một thế hệ các nhà điều hành kiểu kỹ thuật mà là để giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tương lai làm quen với ý tưởng đưa ra các quyết định nhờ sự hỗ trợ của máy tính.

Tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Stanford, Mohsen Bayati, Giáo sư về hoạt động, công nghệ và thông tin, cho biết ông kỳ vọng các sinh viên MBA quan tâm đến lớp học của ông có nhiều kiến thức kỹ thuật hơn. Sinh viên phải qua được một kỳ thi về xác suất thống kê trước khi họ tham gia vào khóa học của ông có tên là “Trí tuệ kinh doanh từ đại dữ liệu”. Lớp học chỉ ra những tình thế tiến thoái lưỡng nan liên quan đến chăm sóc sức khỏe, tài chính, marketing và quản trị nguồn thu, đồng thời yêu cầu sinh viên tạo ra các thuật toán và mô hình để giải quyết những vấn đề này.

Bayati cung cấp cho sinh viên một cơ sở dữ liệu công khai về 100.000 người tiêu dùng, trong đó có thông tin về thu nhập hộ gia đình, vị trí địa lý, tình trạng sở hữu nhà, số điểm tín dụng và số tiền đóng góp vào các tổ chức phi lợi nhuận. Các sinh viên phải tạo ra một kế hoạch kinh doanh để kêu gọi đóng góp cho hoạt động từ thiện, thiết kế các mô hình dự báo để nhận diện những đối tượng người tiêu dùng nào có nhiều khả năng nhất quyên góp cho từ thiện và sau đó tiếp cận các đối tượng này theo một cách hiệu quả nhất về mặt chi phí.

Đồng thời, sinh viên phân tích số liệu mua sắm của người tiêu dùng và các thông tin khác để “ganh đua” với các thuật toán xem ai chính xác hơn trong việc phán đoán liệu người sử dụng website có nhấp chuột vào thông điệp quảng cáo nào đó. “Đôi khi, họ đúng nhưng nhìn chung thuật toán vẫn chiến thắng”, Bayati nói.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét