About Me

Ngành bán lẻ thay đổi theo công nghệ 4.0

Làn sóng công nghệ 4.0 đã và sẽ tác động không nhỏ đến xu hướng tiêu dùng buộc nhà bán lẻ phải thay đổi mô hình kinh doanh.


Xu hướng thị trường bán lẻ trong tương lai gần gồm tăng cường trải nghiệm tại điểm bán, trung tâm thương mại không chỉ là điểm mua sắm, giải trí mà trở thành nơi kết nối văn hóa - nơi công nghệ sẽ trở thành xu thế mới để tăng tính cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài.

Công nghệ mới đã tác động mạnh mẽ đến hiệu quả vận hành và marketing của nhà bán lẻ, giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao hơn. Việc ứng dụng công nghệ 4.0 giúp doanh nghiệp có thêm khách hàng trung thành cũng như thu hút được khách hàng tiềm năng.

Hiện tại, các nhà bán lẻ trực tuyến có xu hướng mở thêm cửa hàng thực (cửa hàng offline) bằng cách xây dựng hoặc thuê của nhà cung cấp để không chỉ giúp khách hàng chọn mua sản phẩm trực tuyến thông qua các ứng dụng (app) trên thiết bị di động mà còn cảm nhận trực tiếp sản phẩm.


Trên thế giới, các thương hiệu lớn và các nhà kinh doanh trực tuyến lớn như Everlane, Amazon, Habitat... đều mở cửa hàng thực. Trong khi đó, các thương hiệu Uniqlo, Funan đã mang đến cho khách hàng cảm giác được trải nghiệm mua sắm online lẫn offline bởi xu hướng khách hàng mua nhiều hơn khi đến cửa hàng nhận những món hàng đặt mua trực tuyến.

Dẫn nghiên cứu của Công ty, bà Rebecca Pearson - Phó giám đốc CBRE Châu Á cho biết, hiện có đến 90% người mua sắm ở Châu Á - Thái Bình Dương mua hàng hóa nhiều hơn nếu họ đến cửa hàng thực (cửa hàng offline) nhận những mặt hàng đã đặt trực tuyến. Khách hàng hiện đại thích đặt hàng online nhưng muốn đến tận cửa hàng để chạm, sờ, cảm nhận sản phẩm trước khi nhận hàng.

Trải nghiệm của khách hàng chính là tác nhân, yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến xu hướng bán lẻ. Hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi theo hướng hội nhập, phát triển ngày càng hiện đại. Cộng thêm những tiến bộ về phát triển khoa học - công nghệ, đặc biệt là kỹ thuật số và công nghệ di động thông minh, chắc chắn thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ phải chuyển mình để đáp ứng.

Nhưng yếu tố ảnh hưởng lớn đến thành công của ngành bán lẻ chính là công nghệ. Công nghệ giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm mọi thứ qua điện thoại thông minh, thậm chí họ có thể tới cửa hàng tự thiết kế, tự lựa chọn rồi đặt món hàng đó.

Theo ông Geoffrey Morrison - Giám đốc Điều hành Concept I, có 3 vấn đề cần lưu ý nếu doanh nghiệp muốn phát triển trong môi trường kinh doanh chịu sự tác động không nhỏ từ làn sóng công nghệ 4.0. Đó là làm thế nào để tăng kết nối, tương tác với khách hàng song song với việc kết hợp công nghệ để gia tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng. Một điều không thể thiếu là doanh nghiệp phải liên tục đổi mớ sáng tạo, tạo ra trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ cho khách hàng.

Còn theo bà Dymfke Kuijpers - phụ trách mảng bán lẻ của McKinsey, ngành bán lẻ đang thay đổi mạnh mẽ bởi sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, ranh giới giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tuyến ngày càng mờ nhạt, công nghệ mới và trí tuệ nhân tạo (AI) giúp các bên thắt chặt quan hệ, người dùng kỹ thuật số kỳ vọng tăng sự trải nghiệm, xu hướng hợp tác giữa chủ mặt bằng và người thuê, từ kênh phân phối đến thương hiệu, các mô hình kinh tế có khả năng phát triển.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam khẳng định: "Công nghệ và sáng tạo là hai yếu tố tiên quyết để cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam". Thời gian qua, các chuỗi bán lẻ của Việt Nam đã học được rất nhiều từ các thương hiệu lớn trên thế giới, tạo nên những thương hiệu đặc thù Việt Nam, mang nét văn hóa Việt Nam.

"Các trung tâm thương mại của doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đồng bộ về mặt hàng mà còn là điểm đến mang tính cộng đồng, là nơi vui chơi, mua sắm của cả khu vực và đang có xu hướng mở rộng ra các tỉnh - thành. Đặc biệt, các chủ đầu tư lớn như Vincom Retail, Vivo City, Aeon Mall... đã thường xuyên tổ chức quảng bá, hoạt động cộng đồng mang đến nhiều trải nghiệm cho người dùng và nhà bán lẻ cũng được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động này", bà Đinh Thị Mỹ Loan chia sẻ.

Trong bối cảnh của ngành bán lẻ hiện nay, để tăng sức cạnh tranh, các cửa hàng phải có tính hấp dẫn, khiến khách hàng ngạc nhiên khi tới. Doanh nghiệp phải áp dụng công nghệ số, thiết kế cửa hàng nêu bật được sản phẩm, thương hiệu và có thể kết hợp với những hoạt động mang lại trải nghiệm độc đáo cho người tiêu dùng.

Các trung tâm thương mại cần tối ưu hóa diện tích sàn để mang đến nhiều trải nghiệm mới cho khách hàng, như khu vui chơi cho trẻ em, khu tượng sáp, khu nấu ăn... "Doanh nghiệp Việt có lợi thế trong việc nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng. Đây chính là chìa khóa để định hình, định vị sản phẩm, phát triển chuỗi thương hiệu. Điều các nhà bán lẻ Việt Nam cần làm là chú trọng đổi mới sáng tạo, áp dụng triệt để công nghệ số để tăng trải nghiệm cho khách hàng", bà Rebecca Pearson tư vấn.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét