About Me

Giang Hồ

Giang hồ (chữ Hán: 江湖; bính âm: Jianghu) là một hình thái xã hội hay một thế giới (thường là hư cấu) phản ánh hình ảnh một xã hội trong thời cổ ở Trung Quốc tại một địa điểm không cố định, trong đó có nhiều biến cố về võ hiệp, những loạn lạc, thị phi, cừu thù, âm mưu, ân oán của cộng đồng người sống trong thế giới thu nhỏ này.


Chữ Giang hồ cũng có thể được xem như bắt đầu từ cuốn Thủy hử của Thi Nại Am (hay La Quán Trung), Thế kỷ 12, trong đó một băng nhóm sống ngoài vòng cương tỏa của pháp luật, tìm đến một nơi ẩn náu trong một đầm lầy, và từ đó dẫn đến một cuộc chiến tranh du kích chống lại các quan chức tham nhũng. Quá trình tập hợp của các anh hùng thảo dã tại bến nước để hình thành quân khởi nghĩa Lương Sơn Bạc được Thi Nại Am dành 70 hồi để diễn giải. 

Trong văn hóa Trung Hoa thời cổ, giang hồ là từ dùng để chỉ về sông, nước, sơn thủy, nơi các bậc ẩn giả, hiền triết ngao du, hay mai danh ẩn tích xa lánh sự đời 

Giang hồ là một khái niệm khá lâu đời. Theo một vài tài liệu, thì từ “Giang Hồ” xuất hiện sớm nhất ở trong tác phẩm Trang Tử Ðại Tông Sư: “Ðồng cam cộng khổ không bằng thấy nhau giữa giang hồ”, giang hồ ở đây là chỉ Tam Giang (3 con sông) và Ngũ Hồ (5 hồ). Thật đơn giản và dễ hiểu, đúng không? Nhưng có ai đó không thích sự đơn giản đó, vì vậy mà từ giang hồ “một bước lên mây”. Ban đầu, người ta dùng “người giang hồ” để gọi các vị Tăng thường vân du bốn bể (theo nghĩa hiện đại là “phượt”). Lúc này, hai tiếng giang hồ có vẻ “bồng bềnh” hẳn. Có thể vì sự “bồng bềnh” đó mà dần dà, từ giang hồ được coi như để ẩn ý chỉ một lớp người thích phiêu bạt, sống phóng khoáng, nay đây mai đó, không ở yên một chỗ. Nghe như những người vô gia cư nhỉ? Nhưng theo kinh nghiệm đọc… truyện xưa của tôi, mấy người “vô gia cư” này rất nhiều tiền, rất ít ai chết đói giữa đàng. Không những không nghèo mà còn thân thiện. Câu “Tứ hải giai huynh đệ” (Bốn biển là anh em) cũng để nói về những con người giang hồ “cùng chí hướng”. Dĩ nhiên, có “cùng chí hướng” thì cũng có những người nhìn nhau bằng đôi mắt “làm như thân lắm”. Cho nên giang hồ thì cũng có “giang hồ mã thượng”, “giang hồ đơn thương, độc mã”, “giang hồ lữ khách”, “giang hồ lãng tử”, giang hồ phe nọ phe kia … Tuy nhiên, dẫu là giang hồ nào thì họ cũng dọc ngang “hành hiệp, trượng nghĩa”. Vì vậy mà giang hồ hồi xưa được nhìn nhận như một lối sống, một phong cách, đẹp. “Người trong giang hồ” khiến “dân thường” có cảm giác khó nắm bắt, trôi nổi, phiêu lãng, chứa tâm hồn rộng lớn. Nói tới đây, thấy “hẻm giang hồ” có vẻ sai sai, mời đọc tiếp… 

Như đã nói, giang hồ là một khái niệm khá lâu đời. Có lẽ vì “tuổi cao sức yếu” mà ý nghĩa của nó bị con người “tự diễn biến, tự chuyển hóa” một cách trầm trọng một cách không thể cứu vãn. Vì vậy, theo thời gian, từ ý nghĩa đơn giản là sông hồ ban đầu, giang hồ trở thành từ để chỉ một xã hội thu nhỏ, và những người đặt chân vô xã hội này có thù với hai chữ bình yên. Nên càng về sau, khi nói đến “giang hồ” người ta quên sạch cảm giác “bồng bềnh” ban đầu, mà chỉ nghĩ ngay đến một nơi chứa đựng thị phi, ân oán tình thù, mã tấu, rựa, súng, lựu đạn… Những giang hồ lâu lâu tiện tay “thế thiên hành đạo”, giết kẻ xấu, xử đẹp quan tham, cướp người giàu chia cho người nghèo dần dần chỉ còn trong sách cổ. Giang hồ giờ đây bị đánh đồng với du đãng, đâm thuê chém mướn. “Dân giang hồ”, để chỉ dân dao búa, đâm thuê chém mướn. “Gái giang hồ”, để chỉ những cô gái “buôn hương bán phấn”. Không biết từ bao giờ, nhưng từ nhỏ đến lớn, trong mấy phim tôi coi thì giang hồ đã là tập hợp của các băng đảng xã hội đen, thu tiền bảo kê, cờ gian bạc lận, làm ăn bất chính, buôn lậu ma túy, bài bạc, súng đạn, thanh toán… 

Mặc dầu những nhân vật chính trong phim, dẫu có “nghĩa khí giang hồ”, hay có hào hiệp trượng nghĩa, si tình, hiếu thảo, xây chùa, làm từ thiện, hay cưu mang người nghèo, bênh vực đàn em…, đôi khi còn rất… đẹp trai nữa nhưng cũng không thay đổi được việc họ là ở trong nhóm người coi thường luật pháp, buôn bán chất cấm và xem mạng người (không ưa) như cỏ rác. Chính vì vậy mà, trong xã hội văn minh, nơi mà ai ai cũng xây dựng những hàng rào đạo đức, pháp chế, khi mà khái niệm giang hồ rộng lớn, bay bổng khi xưa không còn nữa, giang hồ dẫu độc ác, hùng mạnh đến đâu thì cũng phải “biết thời thế” mà lui vào mặt tối tăm của thế giới, tách biệt với xã hội rộng mở mà chui vào những khu riêng biệt, lén lút, những ngôi nhà kín cổng, những tầng hầm ngụy trang, những khu chợ, những con “hẻm giang hồ” nhiều “xẹc”… 

“Người trong giang hồ” đời thực, không biết có nghĩa khí như trong phim không nhưng dẫu thành công đến đâu, yêu… nghề đến đâu cũng phải sống dưới một vỏ bọc khác. Là một doanh nhân, một nhà từ thiện, một người bình thường… Không ai có thể bước ra ánh sáng khoe đôi tay đầy máu và tự tin nói “Xin tự giới thiệu, tôi là giang hồ!” Cũng không có ai dám lên truyền thông khoe: “Tao mới giết 80 đứa để giành địa bàn!” “Tao vừa bán được 4 xe ma túy!”. Ngay trong phiên tòa, nơi có “quyền” công khai tội ác với cả thế giới, đâu có mấy ai chịu nói hết chuyện ác mình làm! Ðó là quy luật của xã hội, bạn là giang hồ/mafia/xã hội đen, bạn mua được mạng người, mua được luật pháp, mua được công an nhưng bạn không mua được sự phát triển, tiến hóa của nhân loại. Và bạn cũng sẽ không mua đứt được nhận thức của bản thân mình, nên dẫu ác độc, lạnh lùng hay bất trị đến đâu thì bạn vẫn biết những việc mình làm cái nào là trái với luân lý xã hội. 

Ảnh từ báo Tuổi Trẻ 

Giang hồ 4.0 

Nhưng, cái gì cũng có nhưng. Có nhiều người là một “đặc dị công năng” rất đặc biệt, đó là thích tự thiêu thân và đam mê đi ngược với văn minh xã hội dẫu biết trước hậu quả. Chính vì vậy mà 2019 rồi, xã hội chúng ta vẫn còn những người nghiện ma túy, cờ bạc đến tán gia bại sản trong khi đã có hàng thập kỷ, hàng triệu người đi trước làm gương. Xã hội chúng ta vẫn có những kẻ bỏ rác không đúng chỗ, không chịu xếp hàng, thích chen lấn, lấy vòi nước uống công cộng rửa chân, rửa đít cho con. Khi con người ta đã coi quyền con người, quyền trẻ em là một trong những thứ rất bình thường, là hiển nhiên thì có những bà mẹ trẻ khuyên người ta không nên kiện cáo khi con mình bị ấu dâm/tấn công tình dục, đặc biệt, nếu đó là quan chức càng không nên. 

Cũng chính “nhờ” vậy mà từ một năm nay, Việt Nam sanh ra một thế hệ giang hồ mới. Giang hồ 4.0. Giang hồ internet. Công thức chung của “món” mới này là: bán phơi đề, bán sim, bán hàng online (công khai trên mạng) + từng đi tù (tự khoe) + dám chơi “trội” (đốt xe, hăm chém người) + đeo nhiều vàng (không rõ thật hay giả) và chăm chỉ livestream, làm clip, phim ngắn rồi phát trên các mạng xã hội. Nội dung chia sẻ thường là những phát ngôn gây sốc khi đề cập đến một nhân vật, sự kiện “hot” đương thời hoặc những clip khoe đi bar, ăn chơi “sang chảnh” (theo suy nghĩ của họ). 

Hoặc các clip đậm chất “hiệp nghĩa” ăn theo phim Hồng Kông, kiểu như: Một ngày là anh em cả đời là anh em. Chịu ơn cưu mang, nguyện đi tù thay đại ca. Mỹ nhân tay vịn ở quán karaoke cứu mạng ông trùm ma túy được đền ơn… “Ðịa bàn” của giang hồ 4.0 là Facebook, YouTube. Ðiều này khiến thế giới giang hồ tiếp cận mỗi người già trẻ lớn bé một cách dễ dàng hơn bao giờ hết. Và, cũng “nhờ” vậy mà thay vì tránh như tránh tà thì Việt Nam lại sanh ra một tầng lớp giang hồ được ngưỡng mộ, đón chào lẫn bị mắng chửi, ném đá không thương tiếc, vì cũng không ai sợ hãi những tay giang hồ này. 

Bác bảo vệ bị trộm mất xe và đứng trước nguy cơ phải đền số tiền 40 triệu vnđ (lương chú 3 triệu/tháng), Huấn Hoa Hồng cũng là giang hồ 4.0 đã “theo dòng thời sự” giúp chú (từ Facebook Bùi Xuân Huấn) 

Như đã nói. Giang hồ 4.0 hay 0.0 thì vẫn là một công dân, phạm pháp thì đi tù. Chưa kể, vừa phạm pháp vừa “khoe” ra cho cả thế giới thấy sự bất lực của những kẻ hành pháp thì càng nhanh vào nhà tù. Vì sao họ bị ném đá, bị bắt thì tôi không cần nói. Nhưng còn vì sao họ lại được ngưỡng mộ? “Tôi buồn đâu biết vì sao tôi buồn”. Con người là một sinh vật rất kỳ lạ, không chỉ thích tự ngược đãi mà đôi khi còn vung vãi tình cảm không suy nghĩ nữa. Khi Vũ Trọng Phụng xây dựng nhân vật Xuân Tóc Ðỏ, có lẽ chính ông cũng không nghĩ rằng mình đã tạo nên một tượng đài, có vị trí nổi bật trong lòng người đọc. Dù rất nhiều người biết hắn là kẻ hạ lưu. Những giang hồ 4.0 kia cũng thế. Họ không hề đẹp, giang hồ không ra giang hồ, dân chơi không ra dân chơi. Nhưng, họ luôn cập nhật thời sự. Họ tận dụng “thời cơ” một cách nhanh chóng để “ra tay nghĩa hiệp” giúp những người bị hại đang được mạng xã hội quan tâm. Chính vì vậy mà họ được cư dân mạng chú ý, được các báo mạng quan tâm, và được nổi tiếng như bản thân mong muốn. Tuy là “tranh thủ” để “câu view và fan” nhưng cũng làm được việc tốt giúp người. 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét