About Me

Sự tích những tên gọi lạ tai ở Sài Gòn

Sài Gòn đến nay vẫn là một thành phố trẻ so với nhiều tỉnh thành khác trên khắp đất nước Việt Nam nhưng những câu chuyện và lịch sử về nơi này luôn là một đề tài bất tận khiến bao người tò mò và thắc mắc. 

Nhiều cái tên bạn nghe mỗi ngày: cầu Nhị Thiên Đường, Củ Chi,.. nhưng không hiểu có nguồn gốc từ đâu? Vì sao người ta lại gọi những địa điểm này bằng những cái tên lạ đời đến như vậy? 

1. Củ Chi 

Đến Sài Gòn, bên cạnh các khu trung tâm mua sắm và những tòa nhà hiện đại, người ta không thể nào quên Củ Chi – đất thép thành đồng huyền thoại với một giai đoạn lịch sử hào hùng trong những năm tháng đấu tranh anh dũng bảo vệ quê hương. Và có ai biết rằng, đằng sau cái tên Củ Chi cũng là những bí mật thú vị? 


Bệnh viện Củ Chi


Củ Chi trở thành địa danh hành chính từ năm 1956. Huyện Củ Chi vốn là hai quận Củ Chi (Hậu Nghĩa) và quận Phú Hòa (tỉnh Bình Dương) nhập lại. Về tên gọi đặc biệt của vùng đất này, tương truyền Củ Chi là tên gọi dân gian của cây mã tiền có nhiều ở vùng này vào thời đó. Đây là một loại cây ở rừng, leo bằng móc, lá mọc đối có ba gân, hoa trắng quả tròn, hạt dẹt như khuy áo, dùng làm thuốc. Cái tên giản đơn mà gần gũi này đã đi sâu vào lòng mỗi người dân Việt Nam và nhận được sự nể phục của bạn bè quốc tế như một biểu tượng cho sự mưu trí, dũng cảm và yêu nước của người dân Việt. 

2. Lăng Cha Cả 



Ngày ngày, biết bao lượt người đi qua vòng xoay Lăng Cha Cả, nhưng có mấy ai biết được, nơi đây vốn là khu lăng mộ 2.000 mét vuông của giám mục người Pháp có công trong việc dựng nên triều Nguyễn? 

Là một trong những nút giao thông quan trọng của TP.HCM, vòng xoay Lăng Cha Cả in sâu vào lòng mỗi người dân Sài Gòn với quả địa cầu hai màu xanh, đỏ sừng sững. Không chỉ dừng lại ở đó, vòng xoay đông đúc này còn là khu vực duy nhất còn sót lại của khu lăng mộ rộng hơn 2.000 mét vuông, nơi chôn cất và thờ cúng giám mục Bá Đa Lộc, người xưa gọi là “Cha Cả”. 


Giám mục Bá Đa Lộc – Cha Cả. Ảnh: Internet 


Nhân vật “Cha Cả” như người Sài Thành xưa hay gọi là Pierre Pigneaux, người Pháp, sinh năm 1741. Sau khi được sắc phong linh mục năm 1765, ông qua Việt Nam truyền giáo và phò tá Nguyễn Ánh đánh nhà Tây Sơn. Ngoài công việc là nhà truyền giáo, theo vua Gia Long, giám mục Bá Đa Lộc còn biên soạn cuốn tự điển tiếng Việt mang tên Dictionarium Anamitico Latinum, hiện còn giữ ở Thư khố Hội Truyền giáo Ngoại quốc tại Paris 


Bức tượng giám mục Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh 

Trong trận vây thành Quy Nhơn – Thị Nại năm 1799, Bá Đa Lộc qua đời. Do được Nguyễn Ánh trọng vọng, ông được đưa về an táng tại khu lăng mộ rất bề thế ở gần nhà cũ thuộc thành Gia Định, nằm khu Vườn Xoài – Tân Sơn Nhất, phía Tây Bắc Sài Gòn – chính là vòng xoay Lăng Cha Cả ngày nay. 

3. Tao Đàn 

Được vây quanh bởi 4 con đường Lê Văn Duyệt, Huyền Trân Công Chúa, Hồng Thập Tự và Nguyễn Du, công viên Tao Đàn đã gắn bó với người dân Sài Gòn từ những năm 1869 cho đến ngày nay. 


Tao Đàn vẫn xanh tươi và ngày ngày ôm lấy những người con của Sài Gòn đến với nơi đây. 


Trước đây, nguyên khu đất công viên Tao Đàn thuộc khuôn viên Dinh Toàn quyền của Pháp. Sau công trình đầu tiên do người Pháp xây dựng là Vườn Ông Thượng hay Vườn Bờ-rô, thành phố tiếp tục xây thêm cơ sở trong khu vườn cho Hội Hiếu nhạc (Société philharmonique) năm 1896, Hội Tam Điểm (Franc-maçonnerie) năm 1897 và Câu lạc bộ Thể thao Sài Gòn (Cercle Sportif Saigonnais) năm 1902 gồm sân đá bóng (túc cầu hay bóng đá), hồ bơi, và sân quần vợt. Có lẽ vì từng là địa điểm tập trung nhiều hội quán, câu lạc bộ về văn nghệ, thể thao như vậy nên công viên này mới có tên gọi là Tao Đàn – một từ cổ dùng để chỉ nhóm, hội các nhà thơ. 

Tuy trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử của thành phố trẻ, gây tò mò bởi những công trình cổ và cả những giai thoại, lời đồn mang tính tâm linh và chưa được xác thực, Tao Đàn vẫn xanh tươi và ngày ngày ôm lấy những người con của Sài Gòn đến với nơi đây. 

4. Hóc Môn 

Những huyện ngoại thành của Sài Gòn rất biết cách làm người đời tò mò bởi tên gọi lạ tai và những câu chuyện thú vị ẩn sau cái tên ấy. Cũng từng trải qua một giai đoạn lịch sử hào hùng đáng tự hào như người anh em Củ Chi, huyện Hóc Môn nổi tiếng với tên gọi “mười tám thôn vườn trầu” trong thời kì kháng chiến chống Pháp. 


Hóc Môn 

Theo sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức, năm 1698, chúa Nguyễn ra lệnh cho Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lí phía nam và quyết định thành lập chủ Gia Định gồm huyện Phước Long và huyện Tân Bình. Thời điểm ấy, vùng đất phía Nam dân cư thưa thớt, đất đai còn hoang vu, địa danh “Hóc Môn” lúc đó chưa có tên gọi, là một vùng đất nằm trong huyện Tân Bình, thuộc phủ Gia Định. 

Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của phong kiến triều Trịnh – Nguyễn phân tranh loạn lạc nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp và rồi lập ra những thôn ấp và nông trại. Đến đầu thế kỉ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên trong dân gian địa danh “Hóc Môn” có tên gọi từ đây – tức để chỉ vùng đất hóc hẻm có nhiều cây môn. 

5. Cầu Ông Lớn – cầu Ông Bé 



Có ai còn nhớ hai cây cầu: cầu Ông Lớn và cầu Ông Bé ở quận 7? Và có ai từng tự hỏi rằng Ông Lớn và Ông Bé là hai nhân vật nào trong lịch sử và có công gì với đất nước, thành phố hay dân cư của khu vực đó?Cầu Ông Lớn. (Nguồn: Internet) 

Nhưng thật ra không có hai người đàn ông nào được gọi là Ông Lớn và Ông Bé cả. Hai tên gọi này là “kết quả” của việc gọi, đặt và viết chệch của từ Ong Lớn và Ong Bé. Hai cây cầu này bắc ngang qua rạch Ong Lớn và rạch Ong Bé – hai con rạch đã xuất hiện từ khá lâu ở khu vực quận 7 và quận 8. 

Ngày xưa, quanh các con rạch trên là rừng tràm, có nhiều ong làm tổ nên hai con rạch có tên Ong Lớn và Ong Bé. Người ta lấy mật từ các con rạch ấy ra bán ở khu kế bên có chiếc cầu gỗ nên cầu ấy mang tên cầu Mật. Ngày nay cầu Mật nằm trên đường Phạm Thế Hiển, phường 3, quận 8 vẫn còn tên gốc, còn rạch Ong Bé và rạch Ong Lớn đã bị gọi, đặt và viết chệch thành Ông Bé, Ông Lớn. 

6. Nhà Bè 


Huyện Nhà Bè . Ảnh Internet 


Là huyện ngoại thành nằm về phía đông nam TP.HCM, Nhà Bè – một huyện từng rất nghèo, thưa thớt bóng người, đang từng ngày chuyển mình, có những bước thay da đổi thịt đáng kinh ngạc. 

Về nguồn gốc tên gọi Nhà Bè, tương truyền tên gọi này xuất hiện vào khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII khi công cuộc khẩn hoang được các chúa Nguyễn đẩy mạnh với quy mô lớn. Nhiều cư dân Đàng Ngoài xuôi thuyền vào tới sông Soài Rạp gặp dòng nước ngược nên quyết định dừng lại tại đây. Do lòng thuyền chật hẹp nấu nướng khó khăn nên có một người tên Võ Thũ Hoằng đã nảy ra sáng kiến cho đốn tre kết làm bè neo trên sông, làm nơi nấu nướng, sinh hoạt cho cả đoàn thuyền. Về sau, nhiều người cũng kết thành hai ba chục chiếc bè làm chỗ buôn bán, trao đổi hàng hoá. Khoảng sông này ngày càng tấp nập đông vui và địa danh Nhà Bè được ra đời. 

Đắc địa trên một khu vực liên kết vô cùng thuận tiện, huyện Nhà Bè ngày nay được kì vọng trở thành khu đô thị mới đồng bộ, sầm uất bậc nhất Nhà Bè nói riêng và góp phần lớn thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực phía Nam thành phố. 

7. Cầu Nhị Thiên Đường 


Cầu Nhị Thiên Đường ở quận 8 trước khi đập đi xây lại. (Nguồn: Internet) 


“Fan” của truyện kiếm hiệp Kim Dung chắc đã từng rất quen với câu ngân nga của trẻ con “Nhất dương chỉ, Nhị Thiên Đường, Tam Tông Miếu, Tứ đỗ tường, Ngũ vị hương, Lục tào xá…”. Thấp thoáng trong câu hát tưởng chừng vô thưởng vô phạt ấy là hình bóng của cây cầu Nhị Thiên Đường – cái tên đã đi sâu vào tâm khảm của người Sài Gòn nhưng ít người hiểu được tường tận nguồn gốc của nó 


Cầu Nhị Thiên Đường – một dấu son gợi nhắc một nét đẹp đã phai dấu của Sài Gòn xưa. (Nguồn: Internet) 


Thật ra, Nhị Thiên Đường là một hãng dầu gió đỏ trị bá bệnh cho trẻ em rất nổi tiếng thời xưa, được sản xuất tại nhà thuốc Nhị Thiên Đường nằm ở khu Chợ Lớn, quận 8. Nhà thuốc Nhị Thiên Đường là một hiệu thuốc của người Quảng Đông có trụ sở tại Singapore, Mã Lai và Việt Nam, có một nét đặc biệt khiến người Sài Gòn nhớ mãi đó là hay phát kèm truyện tình cảm lãng mạn lâm li chung với sách quảng cáo thuốc. Và cũng ít ai biết rằng nhà thuốc này từng có công đóng góp không nhỏ cho chữ Quốc ngữ của nước nhà. 

Ngày nay, hãng dầu gió Nhị Thiên Đường không còn nữa, chỉ còn lại cây cầu ngót gần 100 tuổi nhẹ nhàng vắt qua bờ Kênh Đôi ở quận 8 khu Chợ Lớn tên Nhị Thiên Đường – nơi trước đây là nhà thuốc sản xuất dầu Nhị Thiên Đường, như một dấu son gợi nhắc một nét đẹp đã phai dấu của Sài Gòn xưa. 

8. Bệnh viện Chợ Rẫy 


Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: Internet) 


Tiền thân là bệnh viện Hôpital Municipal de Cholon (Bệnh viện thị xã Chợ Lớn), bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những cơ sở y tế của Pháp thành lập ở Việt Nam sớm nhất cùng với Viện Pasteur Sài Gòn thành lập vào năm 1891, Viện Pasteur Nha Trang thành lập vào năm 1895. 

Với những người dân đã từng sống lâu ở khu vực bệnh viện Chợ Rẫy ắt hẳn sẽ không hề thắc mắc với tên gọi này. Bệnh viện Chợ Rẫy được xây dựng trên nền đất cao có diện tích trên 50.000 m² với các tòa nhà kiểu Pháp, cao 2 tầng, vốn trước đây là chợ mua bán của người Hoa, có tên là chợ Rẫy. Và từ đó, người dân vẫn quen gọi là bệnh viện Chợ Rẫy và tên này được dùng chính thức cho đến ngày nay. 

Source: 2saigon 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét