About Me

Để tránh cú sốc văn hóa khi đi du học

Cú sốc thuận đối với du học sinh đã là một cửa ải khó vượt qua, nhưng với nhiều người, cú “sốc ngược” khi kết thúc hành trình du học, quay về “tái hòa nhập” cộng đồng mới thật là khủng khiếp.


Từ sốc văn hóa…

“Sốc văn hoá” là một hiện tượng tâm sinh lý mà bất cứ du học sinh nào đều phải trải qua khi lần đầu tiên đến sống ở một đất nước xa lạ. Tuỳ thuộc vào sự hiểu biết, tuổi tác hay sự chuẩn bị về tâm lý của từng người mà mức độ ảnh hưởng của “sốc văn hoá” và thời gian vượt qua của mỗi người khác nhau. Người càng trẻ, khả năng thích nghi càng tốt thì ảnh hưởng sẽ ít đi; ngược lại những người lớn tuổi hơn thì khả năng thích nghi với sự thay đổi theo môi trường sống mới kém sẽ rất khó hoặc có thể không bao giờ vượt qua được cú “sốc văn hoá”.

Có 5 giai đoạn mà du học sinh sinh sống và học tập ở nước ngoài thường trải qua:
  1. Hưng phấn: Ban đầu du học sinh cảm thấy rất hạnh phúc và háo hức khi tiếp cận, khám phá và trải nghiệm một nền văn hoá mới. Giai đoạn này thường được ví như giai đoạn “trăng mật” của các đôi tình nhân mới cưới. Quãng thời gian vui vẻ thường kéo dài không lâu và mức độ của sự hạnh phúc cũng có thể sẽ không bao giờ lặp lại.
  2. Sốc văn hoá: Du học sinh bắt đầu cảm thấy “sốc” khi gặp những khó khăn về lối sống, nhà cửa, hệ thống giao thông, việc làm, mua sắm và ngôn ngữ.
  3. Những điều chỉnh đầu tiên: Những vấn đề về nhà cửa và mua sắm dần dần không còn là vấn đề khó khăn với du học sinh. Du học sinh có thể chưa thể nói trôi chảy nhưng đã có thể diễn đạt những ý kiến và tình cảm cơ bản bằng ngôn ngữ bản xứ.
  4. Cảm giác biệt lập: Du học sinh phải sống xa gia đình và người thân nơi quê nhà một thời gian khá dài nên có thể cảm thấy cô độc. Một số người sẽ cảm thấy bực tức và mất tự tin do không thể thể hiện các ý kiến của mình bằng tiếng bản xứ như tiếng mẹ đẻ của mình hoặc do vẫn chưa tìm được việc làm hay nơi cư trú.
  5. Chấp nhận và hoà nhập: Những thói quen mới trong công việc, kinh doanh hay học tập được thiết lập. Du học sinh sẽ quen với những phong cách làm việc, tập quán, thức ăn và tính cách của những người bản xứ. Họ sẽ có thêm những người bạn mới, cộng đồng mới và ngôn ngữ bản xứ. Du học sinh dần nhận thấy họ như trở thành một phần của xã hội này.
Những du học sinh trải qua các giai đoạn trên theo nhiều cách khác nhau. Có người không bao giờ có giai đoạn “Trăng mật” vì hoàn cảnh đến đất nước mới này của họ là bắt buộc hay ngoài ý muốn. Ngoài ra, các yếu tố khác như tính cách cá nhân, tuổi tác, khả năng tiếp thu ngôn ngữ, hiểu biết về văn hoá nơi họ đến, sự ủng hộ của gia đình và người thân, các vấn đề về tài chính, việc làm và động lực đến sống ở nước ngoài cũng ảnh hưởng đến mức độ “sốc văn hoá” và khả năng và độ dài thời gian thích nghi để vượt qua “sốc văn hoá”.


MỘT VÀI LỜI KHUYÊN

Để sớm vượt qua “Sốc văn hoá” khi đến sống và học tập ở nước ngoài, những du học sinh cần tìm hiểu trước thật kỹ về văn hoá của đất nước mà mình sắp đến. Các tổ chức đưa học sinh du học hay tổ chức nhận nhập cư thường tổ chức các khoá học định hướng văn hoá nhằm giúp những du học sinh tìm hiểu về đất nước, con người và tập quán của người bản xứ. Dù vậy, những điều thu nhận từ các khoá học định hướng văn hoá vẫn chưa đủ, du học sinh cần tìm hiểu thêm qua những người đã từng sinh sống và học tập ở đất nước đó. Một nguồn thông tin khác là từ Internet hay sách báo khác. Càng hiểu kỹ về văn hoá nước sở tại thì mức độ và thời gian “sốc văn hoá” sẽ giảm đi rất nhiều và khả năng thích nghi sẽ nhanh hơn.

“Bất đồng ngôn ngữ” cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến “sốc văn hoá”. Do đó, chuẩn bị thật tốt về ngôn ngữ để có thể giao tiếp tốt với người bản ngữ để tránh sự hiểu lầm do diễn đạt sai hay sự bực tức do không thể diễn đạt đúng ý nghĩ của mình bằng tiếng bản xứ.

Du học sinh cần chuẩn bị về mặt tâm sinh lý để đón nhận “sốc văn hoá” nơi xứ người. Cần tự hào về nền văn hoá gốc của mình nhưng cũng phải biết cách chấp nhận và tôn trọng nền văn hoá bản xứ hay các nền văn hoá khác đang tồn tại song hành với nền văn hoá bản xứ.

…Đến sốc văn hóa ngược

Cú sốc thuận đối với du học sinh đã là một cửa ải khó vượt qua, nhưng với nhiều người, cú “sốc ngược” khi kết thúc hành trình du học, quay về “tái hòa nhập” cộng đồng mới thật là “khủng khiếp”. Sốc vì mãi mới quen được với cảnh ngăn nắp, trật tự, văn minh, sạch sẽ ở nước ngoài thì vừa bước chân xuống sân bay đã choáng váng bởi sự ồn ào, chen lấn bất lịch sự, xả rác bừa bãi… Choáng vì đi chợ mua đồ không như đi siêu thị bên Tây, không cẩn thận là bị “chửi” ngay. Mà có đi mua đồ siêu thị thì cũng không khá hơn, nhân viên mặt lạnh như bom lại mất lịch sự. “Ngã bổ chửng” vì ngay cả việc quay lại trường cũ làm thủ tục, giấy tờ cũng bị “bĩu môi” làm khó dễ… Stress nặng bởi tinh thần “mang những gì học hỏi được về xây dựng đất nước” đã bị nhân viên trong trường cùng một cơ quan nhà nước cho rằng “chỉ được cái khoe mẽ chứ tài cán gì. Lại cậy cái mác du học đây”…

Thậm chí choáng vì “ông bà bô” mình cũng thoải mái xả rác sang cửa nhà hàng xóm, cho chó đi “bĩnh” ở cột điện mà mình góp ý hay tranh luận gì lại còn bị mắng là “đừng có cậy đi Tây” về mà dọa mẹ”. Đa phần các nhà khoa học nghiên cứu về tâm lý đều cho rằng hội chứng “sốc văn hóa ngược” (reverse culture shock) còn nặng nề hơn tình trạng sốc văn hóa, và hầu như du học sinh nào cũng gặp phải. Đến nối trước khi du học sinh về nước còn nhận được khuyến cáo rằng phải chuẩn bị sẵn tinh thần “sốc” khi tái hòa nhập với cộng đồng ở quê nhà. Thế nhưng, phần lớn du học sinh không mấy ai nghĩ rằng mình sẽ sốc khi về nước, nơi mình đã “quá hiểu” vì có đến 20 năm “sinh ra và lớn lên ở đó”. Thế là “sốc nặng”.


Và điều đáng quan tâm nhất là đa phần những cú sốc văn hóa ngược đến từ sự khác biệt quá lớn về cách thức, phong cách làm việc, tiêu chuẩn chuyên môn ở Việt Nam đã hạn chế các cựu du học sinh ứng dụng hiệu quả các kiến thức và kỹ năng học tập được ở nước ngoài. Điều đó cũng lý giải cho một thực trạng rất đáng tiếc: du học sinh khi trở về nước rất khó tìm được việc làm vừa ý trong một cơ quan nhà nước. Phần lớn họ làm cho các công ty nước ngoài, hoặc tiếp tục đi… du học, ở một trình độ cao hơn.

Hội chứng sốc văn hóa ngược thường nặng nề hơn cả “sốc văn hóa xuôi”. Bởi vậy, bạn càng cần chuẩn bị nhiều hơn cho mình về mặt tinh thần. Bạn nên ý thức được một điều rằng, bạn đã thay đổi rất nhiều, trong khi, rất có thể, xã hội quê nhà vẫn chưa thực sự thay đổi gì nhiều, trừ những bước tiến đáng trân trọng về kinh tế. Sau những năm học tập và sinh sống ở nước ngoài, bạn đã có những thói quen, cách hành xử và thậm chí cả những giá trị nhận thức mới và chúng có độ vênh nhất định với thực tế tại quê nhà.

Cách tốt nhất là thường xuyên giữ liên lạc với gia đình, bạn bè để cùng trao đổi thông tin và cập nhật các vấn đề của đời sống ở quê hương; đồng thời, giữ được mối liên hệ chặt chẽ với mọi người ở nhà để khi trở về không bị cảm giác lạc lõng. Nhưng cũng đừng nên “tái hòa nhập” 100%, xóa bỏ đi những thói quen văn minh mà bạn đã học hỏi được, bởi nếu thế thì bạn đi du học để làm gì?!

Source: Equest 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét