About Me

Trí tuệ nhân tạo AI có thể thay đổi luật chơi trong chiến tranh

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang đi vào lĩnh vực quân sự một cách mạnh mẽ, cách mạng hóa quốc phòng. AI mạnh đến mức, có thể nói quốc gia nào làm chủ được AI sẽ 'thống trị' thế giới.


Trong tương lai, AI có khả năng thay đổi "luật chơi" trong chiến tranh. Song cần nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc về ứng dụng AI trong quân sự, đặc biệt là vũ khí tích hợp AI. Nhiều người còn cho rằng đã đến lúc cần kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp ngăn chặn loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm này.

“Bàn cờ” AI thế giới

Mỹ là nước đi tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng AI, đặc biệt là trong quân sự. Các nhà khoa học Mỹ vừa chế tạo một thiết bị cho phép binh sĩ kiểm soát vũ khí và phương tiện quân sự bằng suy nghĩ.

Năm 2018, Cơ quan quản lý các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Quân đội Mỹ đã cho ra đời một thế hệ máy bay chiến đấu mới với khả năng điều khiển từ xa hàng trăm km, nhờ thiết bị cấy trong não của phi công. Nhờ giao diện máy tính - não (BCI), một phi công có thể điều khiển đến ba chiếc máy bay cùng lúc chỉ bằng suy nghĩ của mình.

Hải quân Mỹ đang nghiên cứu hệ thống ứng dụng công nghệ AI có tên gọi là CANES, để cài đặt trên các tàu sân bay, tàu tấn công đổ bộ, tàu khu trục và tàu ngầm, giúp liên kết những con tàu với nhau, tăng khả năng tự động hóa và thực hiện ngày càng nhiều chức năng mà không cần sự can thiệp của con người.

Lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF) của Mỹ đang nghiên cứu khả năng ứng dụng AI để phân tích khối lượng thông tin khổng lồ mà Lầu Năm Góc thu thập được từ vô số nguồn khác nhau để đưa ra dự đoán nhanh chóng và chính xác hơn về ý đồ của các đối thủ tiềm tàng tại khu vực, từ đó đưa ra cách đáp trả thích đáng. Hệ thống như vậy cho phép quân đội Mỹ có được sự sẵn sàng, ngăn chặn khả năng xảy ra các vụ tấn công bất ngờ, như trường hợp Nhật Bản đánh úp Trân Châu Cảng vào năm 1941 trong Thế Chiến II.


Theo một số nguồn thạo tin, cơ quan tình báo Mỹ đã phát triển một hệ thống AI có khả năng kết hợp những luồng thông tin khổng lồ với dữ liệu vệ tinh để tìm hiểu về mọi thứ, từ dân cư đến các khu vực chiến sự và sân bay của đối phương.

Theo tài liệu chiến lược phòng thủ của Mỹ xuất bản năm 2018, AI sẽ cho phép nước này chiến đấu và chiến thắng trong các cuộc chiến tương lai.

Theo báo cáo của Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS), Trung Quốc đang đầu tư hàng chục tỷ USD để phát triển AI, coi đó là chiến lược để bảo vệ an ninh quốc gia, tận dụng cơ hội để phát triển công nghệ dựa trên AI, bao gồm cả tàu ngầm không người lái có thể đối đầu với các tàu sân bay Mỹ.

Quân đội Hàn Quốc cũng có kế hoạch thiết kế robot có khả năng bắt chước con người và động vật, được sử dụng cho nhiều dạng nhiệm vụ khác nhau, bao gồm giải cứu, tìm kiếm và trinh sát. Những robot này sẽ thay thế cho con người trên chiến trường, hoặc chiếm phần lớn lực lượng quân đội, sẽ thay đổi luật chơi trong các cuộc chiến tranh tương lai, quan niệm về con người chiến đấu trên mặt trận sẽ sớm trở nên lỗi thời.

Robot sát thủ sẽ trở nên phổ biến trên chiến trường trong tương lai. (Nguồn: Forbes)


Liên minh châu Âu (EU) cũng đang phát triển công nghệ AI để đảm bảo tự chủ và tạo ra những chuyển biến mang tính đột phá trong an ninh quốc phòng. Dữ liệu lớn, công nghệ đám mây, các phương tiện không người lái và AI đang cách mạng hóa ngành quốc phòng EU và nâng cao khả năng ứng phó các mối đe dọa xuyên quốc gia và không đối xứng, như các cuộc tấn công khủng bố bằng tin tặc, hóa học, sinh học và phóng xạ.

AI đe dọa tới sự tồn vong của loài người

Mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống con người nhưng ứng dụng AI vào sản xuất vũ khí quân sự cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, đẩy thế giới vào một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm. Việc phát triển các hệ thống vũ khí tự động lựa chọn và tấn công mục tiêu, các robot thông minh có khả năng hủy diệt đang gây nhiều tranh cãi về mặt đạo đức. Nhiều chỉ trích cho rằng hệ thống này sẽ đe dọa đến an ninh quốc tế và báo trước một cuộc cách mạng thứ ba trong phát triển vũ khí, sau thuốc súng và bom nguyên tử.

Xét về mặt tích cực, AI có thể được sử dụng với mục đích giúp chiến trường trở thành nơi an toàn hơn, giảm thương vong cho các binh sĩ. Nhưng cũng chính những mặt lợi này lại khiến các chuyên gia lo ngại hơn vì như thế sẽ giúp các nhà chính trị hoặc lãnh đạo quốc gia đi đến quyết định phát động chiến tranh nhanh hơn, qua đó gây hậu quả lớn đối với tính mạng con người.

Sự ra đời của cái gọi là “robot sát thủ” và việc ứng dụng AI vào lĩnh vực quân sự có thể khiến hậu quả của chiến tranh trở nên vô cùng thảm khốc.

Xu hướng sử dụng AI để điều khiển các phương tiện không người lái trên chiến trường đang dần trở thành xu hướng tác chiến chính, được nhiều cường quốc trên thế giới đầu tư phát triển, chúng đang chuyển dần từ “vai phụ thành vai chính” trên chiến trường.

AI đang châm ngòi cho một cuộc chạy đua khi khoảng 50 quốc gia hiện đang nghiên cứu các robot chiến trường. Theo giới quan chức quốc phòng Mỹ, nếu không tích hợp AI vào vũ khí tự hành, Mỹ không thể chiếm ưu thế trước các đối thủ tiềm tàng như Nga và Trung Quốc. Theo nhận định của Giáo sư Khoa học máy tính của Đại học California (Mỹ) Stuart Russell, vũ khí tự động chắc chắn sẽ trở thành vũ khí hủy diệt hàng loạt, vì một cá nhân có thể “kích hoạt” hàng triệu, thậm chí là trăm triệu vũ khí cùng lúc.

Việc sử dụng AI cho mục đích quân sự có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Thậm chí, một nghiên cứu đã dự đoán AI sẽ châm ngòi một cuộc chiến hạt nhân vào đầu năm 2040. Theo đó, AI có khả năng phát đi một cảnh báo giả, thúc giục các quốc gia tham chiếm nhằm giành lợi thế, ngay cả khi họ không hề có ý định thực hiện.

Vũ khí tích hợp AI sẽ làm thay đổi diện mạo của chiến tranh

Từng cảnh báo AI có thể sẽ đe dọa tới sự tồn vong của loài người nếu chúng phát triển quá mạnh, vượt qua khuôn phép và lạm dụng AI vào những mục đích sai trái, các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới như Stephen Hawking, Elon Musk và các nhà công nghệ khác đã nhiều lần kêu gọi các chính phủ ngăn chặn sự phát triển của những vũ khí tự động giết người này.

Cuộc chạy đua vũ khí tích hợp AI sẽ tạo ra một mối đe dọa ở mọi cấp độ, quốc gia, khu vực và quốc tế, tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường. Ở quy mô toàn cầu, các công ước quốc tế về kiểm soát và giải trừ vũ khí đã không còn phù hợp với loại vũ khí “sinh sau đẻ muộn” này. Đã đến lúc cần phải nhìn nhận và đánh giá nghiêm túc vũ khí tích hợp AI, đồng thời, kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp để ngăn chặn loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm này.

Collect & Posted by

Đăng nhận xét

0 Nhận xét