About Me

Tại sao số ca nhiểm COVID 19 đột tăng ở một số nước Đông Nam Á

Được biết thì virus corona sẽ không phát triển trong điều kiện thời tiết ấm nóng. Thế nhưng Đông Nam Á lại có số ca nhiễm vượt mặt châu Âu mặc dù có sự chênh lệch lớn về mặt nhiệt độ, vậy nguyên nhân là do đâu ? Câu trả lời dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc giúp bạn

Theo Straits Times, trong vài tháng qua, số ca nhiễm tại Đông Nam Á luôn ở mức thấp, đem đến hi vọng cho châu Âu và Mỹ rằng tốc độ lây nhiễm giảm khi khu vực bước sang mùa xuân.


Nhưng chỉ vài ngày qua, từ Indonesia, Thái Lan cho đến Malaysia, Philippines đều thông báo ca nhiễm tăng mạnh. Đây là dấu hiệu cho thấy yếu tố thay đổi thời tiết theo mùa hầu như không ảnh hưởng đến khả năng lây lan của virus.

“Giả thuyết về nhiệt độ không còn đúng nữa trước những gì đang xảy ra ở Đông Nam Á”, giáo sư Tikki Pangestu tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu ở Singapore, nói. “Mọi người ở châu Âu hi vọng vào thời tiết ấm lên để khiến virus biến mất. Nhưng tôi không tin đó sẽ là thực tế”.

Sở dĩ có quan niệm cho rằng virus biến mất khi thời tiết ấm lên là vì virus Corona gây ra triệu chứng giống như cúm, mà cúm mùa chỉ xuất hiện vào mùa đông, khi thời tiết lạnh. WHO hồi tháng này cũng khẳng định không có bằng chứng cho thấy yếu tố nhiệt độ ảnh hưởng đến virus Corona.

Các chuyên gia y tế nhận định, sở dĩ các quốc gia Đông Nam Á ban đầu có ít ca lây nhiễm vì xét nghiệm hạn chế, thiếu nguồn lực và chưa phải đối mặt với làn sóng người đem virus nhập cảnh vào đất nước.

Bãi biển ở thành phố Pattaya, Thái Lan.


“Cùng lắm thì yếu tố thời tiết có thể làm ảnh hưởng đến virus, nhưng không phải là lý do khiến virus biến mất”, giáo sư Dale Fisher, người đứng đầu Mạng lưới phản ứng và Cảnh báo bùng phát toàn cầu do WHO điều phối, nói. “Điều quan trọng là các nước cần cô lập ngay ca lây nhiễm, không để virus phát tán ra cộng đồng. Đó mới là yếu tố quan trọng nhất”.

Chính phủ quốc gia Đông Nam Á đã phải đưa ra biện pháp mạnh nhằm ngăn virus lây lan. Ở Philippines, số ca nhiễm tăng vọt lên 140 so với 3 người nhiễm cách đây 10 ngày, khiến Tổng thống Rodrigo Duterte phải phong tỏa thủ đô Manila.

Ở Malaysia, quốc gia này ghi nhận thêm 125 ca nhiễm trong ngày 16.3, nâng tổng số người nhiễm lên tới 553, cao nhất trong khu vực. Chính phủ Malaysia đã thông báo phong tỏa một phần trên phạm vi cả nước.

Ở Thái Lan, quốc gia này ghi nhận thêm 33 ca nhiễm vào ngày 16.3, mức tăng cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở nước này. Chính phủ Thái Lan có kế hoạch đóng cửa nhà hàng, trường học, quán bar để ngăn virus lây lan.

Ở Indonesia, có thêm 17 ca nhiễm mới trong ngày 16.3, nâng tổng số người nhiễm Covid-19 lên con số 134. Indonesia là nước trải qua khoảng thời gian dài không ghi nhận bất cứ ca nhiễm nào cho đến ngày 2.3.

Hiện chỉ còn 2 quốc gia Đông Nam Á là Lào và Mynamar chưa thông báo bất cứ ca nhiễm Covid-19 nào.

Các chuyên gia y tế một lần nữa khuyến nghị các nước trong khu vực không nên lệ thuộc vào yếu tố thời tiết để chờ dịch bệnh qua đi. “Mọi chuyện không đơn giản như vậy vì còn nhiều yếu tố khác, như tiếp xúc giữa người với người khiến virus lây lan rất nhanh”, Sugiyono Saputra, nhà nghiên cứu vi sinh ở Viện Nghiên cứu Khoa học Indonesia, nói. “Môi trường thậm chí có thể không là yếu tố ảnh hưởng đến virus”.


Đăng nhận xét

0 Nhận xét