About Me

Xuất phát điểm khiêm tốn của 10 công ty nổi tiếng thế giới

Các công ty trở thành những tên tuổi hàng đầu trên thế giới, có doanh thu hàng tỷ USD từng bắt đầu chỉ như dự án phụ, niềm đam mê tay trái của những người sáng lập… Một vài công ty ra đời trong nhà để xe, dưới tầng hầm hoặc trong ký túc xá trường đại học.


1. Apple

Trước khi Apple trở thành một công ty công nghệ lớn, đây là một dự án phụ của hai người đồng sáng lập.

Năm 1976, Steve Jobs làm việc ca đêm tại Atari và Steve Wozniak là một kỹ sư tại HP. Trong thời gian rảnh rỗi, họ cùng nhau chế tạo một máy tính trong nhà để xe, được biết đến với cái tên Apple I. Họ đã tạo ra chiếc máy tính sử dụng các bộ phận của Atari và tặng nó cho ông chủ của Jobs, người cuối cùng đã từ chối đầu tư.

Trong vài thập kỷ tiếp theo, Apple đã cách mạng hóa ngành công nghệ, phát triển máy nghe nhạc MP3 trở thành iPod, phần mềm phát đa phương tiện trở thành iTunes và thiết bị di động trở thành iPhone. 


2. Facebook

Facebook bắt đầu từ một dự án nhỏ được thực hiện trong phòng ký túc xá của những người sáng lập.

Năm 2003, Mark Zuckerberg, sinh viên năm nhất Harvard đã tạo ra Facemash, cho phép sinh viên đánh giá các sinh viên khác. Mặc dù, sau 2 ngày ra mắt, trang web đã bị gỡ xuống nhưng nó đã truyền cảm hứng cho Zuckerberg và bạn bè của anh - Eduardo Saverin, Dustin Moskovitz và Chris Hughes - để tạo một trang mạng xã hội có tên The Facebook vào năm 2004. Sinh viên có thể đăng nhập vào trang web bằng email Harvard.edu và cuối cùng, nó lan rộng đến các trường cao đẳng trên cả nước. Dự án là niềm đam mê của người sáng lập, đã nhanh chóng biến thành một doanh nghiệp công nghệ phát triển mạnh khi Facebook vượt ra khỏi khuôn khổ của cuộc sống đại học.

Ngày nay, Facebook được coi là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất với 2 tỷ người dùng trên toàn thế giới.


3. Instagram

Instagram là một dự án phụ của người sáng lập trước khi trở thành một nền tảng truyền thông xã hội phổ biến.

Năm 2009, Kevin Systrom, người đồng sáng lập Instagram đã làm việc tại Nextstop.com với tư cách là người quản lý sản phẩm. Kevin tự mình học cách viết mã vào ban đêm và cuối tuần. Cuối cùng, ông đã tạo ra Burbn, một ứng dụng đăng ký trên thiết bị di động tương tự như FourSapes nhưng hoạt động liên quan đến hình ảnh nhiều hơn.

Systrom từ bỏ công việc hàng ngày và cuối cùng kiếm được 500.000 USD và tuyển dụng người đồng sáng lập Mike Krieger. Năm 2010, cặp đôi chính thức ra mắt Instagram và có 100.000 người dùng trong tuần đầu tiên. Năm 2012, Facebook đã mua lại công ty với giá 1 tỷ USD. Ngày nay, có 1 tỷ người dùng Instagram. 


4. Spanx

Người sáng lập ra Spanx là một nữ nhân viên bán hàng trước khi thành lập công ty sản xuất đồ lót, Sara Blakely.

Vào cuối những năm 90, Sara Blakely đã đi đến tận các nhà để cố gắng bán máy fax cho Danka, một công ty cung cấp văn phòng. Một buổi tối, khi mặc quần áo để đi ra ngoài, bà quyết định biến tấu chiếc quần tất để mặc cho thoải mái. Kết quả đã truyền cảm hứng cho Blakely để biến thiết kế trực quan này thành một doanh nghiệp.

Sau thời gian làm việc ban ngày, bà dành nhiều đêm để nghiên cứu sản phẩm và các nhà sản xuất. Cuối cùng khi đạt được thỏa thuận với một nhà sản xuất hàng dệt kim, bà đã làm việc liên tục trong nhiều đêm và cuối tuần để ra được sản phẩm theo ý tưởng của riêng mình. Năm 2000, Spanx, công ty chuyên về đồ lót cho phụ nữ ra đời.

Năm 2012, Blakely được mệnh danh là nữ tỷ phú tự lập trẻ nhất và ngày nay, tổng tài sản của bà trị giá khoảng 1,1 tỷ USD.


5. Twitter

Twitter bắt đầu như một dự án phụ của một công ty. Năm 2005, Jack Dorsey, nhà sáng lập của Twitter bắt đầu công việc lập trình tại Odeo, một nền tảng cho podcast. Một năm sau, công ty phát triển chậm lại sau khi Apple cho phép podcast trên iTunes. Để giải quyết khó khăn, Giám đốc điều hành Odeo Evan Williams đã tổ chức một cuộc thi hackathon (cuộc thi phát triển phần mềm). Trong đó, Dorsey đã tạo ra twittr - một trang web nơi mọi người có thể cập nhật trạng thái giống AIM (một chương trình nhắn tin nhanh có quảng cáo). Dorsey tiếp tục làm việc với twittr như một dự án phụ tại Odeo cho đến khi nó được chính thức ra mắt vào tháng 7 năm 2006 và đổi tên thành Twitter. Một năm sau, Twitter trở thành công ty riêng và Dorsey đảm nhiệm vị trí CEO.

Twitter đã trở thành một trong những nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất, với 152 triệu người dùng hoạt động hàng ngày trong những tháng cuối năm 2019. (Ảnh: Reuters)


6. Craigslist

Craigslist bắt đầu như một email nội bộ mà người sáng lập đã sử dụng để gửi cho bạn bè của mình.

Năm 1995, Craig Newmark đã gửi một email cho bạn bè của mình, nhấn mạnh các sự kiện thú vị xung quanh San Francisco. Email ban đầu được gửi tới 10 đến 12 người, nhưng cuối cùng, nó được lan truyền ra cộng đồng bằng hình thức truyền miệng. Số lượng người sử dụng email bắt đầu phát triển nhanh chóng khi Newmark chuyển sang một máy chủ và trang web lớn hơn. Năm 1999, Newmark từ bỏ công việc lập trình viên hàng ngày và biến Craigslist thành một công ty.

Craigslist đã mở rộng tới 700 thành phố và 70 quốc gia trên toàn thế giới với giao diện đơn giản dễ sử dụng. (Ảnh: Getty Images)


7. WeWork

Người sáng lập WeWork đang làm cho một công ty về quần áo cho trẻ khi tạo ra công ty về không gian làm việc chung cho văn phòng.

Adam Neumann điều hành Krawlers, một công ty quần áo trẻ em ở Brooklyn và luôn tìm cách kiếm thêm tiền. Kiến trúc sư Miguel McKelvey làm việc trong tòa nhà mà Krawlers vận hành cùng Adam nhận thấy có một số không gian văn phòng không được sử dụng đến trong tòa nhà. Cặp đôi bắt đầu lên ý tưởng với Green Desk vào năm 2008, đơn vị cho thuê các văn phòng trong tòa nhà. Họ đã bán lại công ty cho chủ nhà và cuối cùng mở ra WeWork vào năm 2011 tại thành phố New York.

Sau hàng loạt bê bối, Neumann phải rời khỏi công ty vào năm ngoái. WeWork có kế hoạch mở rộng tới 100 không gian làm việc tại New York, Miami, Chicago, Seattle, Los Angeles, Sydney, Melbourne, và Prague, Thượng Hải và nhiều hơn nữa trong năm nay, theo thông tin trên website của công ty. 



8. TheSkimm

TheSkimm bắt đầu như một dự án dành cho đam mê của những người đồng sáng lập.

Vào năm 2012, Carly Zakin và Danielle Weisberg làm việc tại NBC với tư cách là nhà sản xuất liên kết và là những người nghiện tin tức. Họ nhanh chóng nhận ra mình muốn làm nhiều hơn trong ngành tin tức hơn là công việc hiện tại cho phép, vì vậy họ đã bắt đầu một dự án phục vụ cho đam mê của mình. Họ gửi một danh sách tin tức được quản lý thẳng đến hộp thư điện tử của mọi người.

Họ bỏ việc và tập trung vào dự án này toàn thời gian mặc dù không có ai đầu tư. Họ có 4.000 USD và nhanh chóng rơi vào cảnh là "con nợ" của thẻ tín dụng. Nhưng mọi thứ đã thay đổi sau khi họ công bố email đầu tiên và theSkimm ra đời.

Ngày nay, theSkimm có 7 triệu người sử dụng, trong đó có Hillary Clinton và Oprah. (Ảnh: AP)

9. OculusVR

Trước khi trở thành doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực thực tế ảo, OculusVR chỉ là một dự án phụ của người sáng lập.

Năm 2011, Palmer Luckey đã tham dự Cal State Long Beach để học ngành báo chí, và ông là một kỹ sư tại Phòng thí nghiệm thực tế hỗn hợp của USC. Đồng thời, Luckey phát triển kính thực tế ảo tiên tiến trong nhà để xe của mình, sau này tạo nên làn sóng trong ngành công nghệ thực tế ảo. Năm 2012, Luckey bỏ học đại học và tập trung vào dự án phụ toàn thời gian. Ông đặt tên cho công ty của mình là OculusVR. Công ty đã tiếp tục huy động 2,5 triệu USD trên Kickstarter. Năm 2014, Facebook đã mua lại công ty với giá 2 tỷ USD.

Hiện tại, Luckey đã rời công ty để làm việc cho một doanh nghiệp mới. Trong khi đó, Facebook tuyên bố đã kiếm được hơn 100 triệu USD doanh thu trong năm 2019. (Ảnh: Reuters)


10. Khan Academy

Sal Khan, người sáng lập Khan Academy bắt đầu kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục khi đang làm việc tại một quỹ đầu tư.

Sau thời gian làm việc ở công ty, Sal Khan đã dạy kèm cho anh em họ của mình thông qua Yahoo Doodle và qua điện thoại vào năm 2004. Ngay sau đó, anh bắt đầu dạy kèm thêm các thành viên gia đình thông qua hình thức trực tuyến. Thời gian biểu của anh nhanh chóng trở nên quá bận rộn. Để giải quyết vấn đề này, Khan đã quay video các bài học của mình và tải chúng lên YouTube. Năm 2008, Khan Academy chính thức ra đời nhưng anh chỉ làm việc trong thời gian rảnh rỗi. Mãi đến năm 2009, Khan mới nghỉ việc và làm việc toàn thời gian cho Khan Academy.

Công ty tiếp tục nhận được khoản đầu tư trị giá 2 triệu USD từ Google và 1,5 triệu USD từ Quỹ Bill và Melinda Gates.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét