About Me

Vũ khí bí mật của Mỹ cho thời đại trí tuệ nhan tạo (AI)?

Quân đội Mỹ đang phát triển hệ thống không gian mạng như là một vũ khí bí mật trong tương lai nhờ vào khả năng kết nối các phương tiện chiến đấu và nhân lực trong cùng một mạng nội bộ, giúp xử lí nhanh các tình huống tấn công, hợp nhất dữ liệu, cũng như giảm nhu cầu sử dụng phần cứng cồng kềnh.


Mỹ phát triển công nghệ đám mây đóng vai trò cốt lõi trong không gian mạng. (Nguồn: National Interest)

Không gian mạng đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh hiện đại

Mới đây, Tướng Joseph Martin (Phó Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ) đã phát biểu rằng, nước Mỹ cần nâng cao khả năng bảo mật của hệ thống an ninh mạng nội địa và cả hoạt động trong không gian mạng toàn cầu nói chung nhằm sẵn sàng cho chiến tranh hiện đại. Vậy nên “không gian mạng” là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong các chương trình quân sự mà Lầu Năm Góc đang hướng đến khi bước vào thời đại thông tin trí tuệ nhân tạo (AI).

Chiến tranh an ninh mạng sẽ là một cuộc chiến không biên giới chống lại kẻ thù vô hình, không để lại dấu vết nhưng cực kì nguy hiểm trên khắp toàn cầu. Hiện nay, hệ thống vũ khí được kết nối với các mạng máy tính ngày càng phát triển tinh vi về số lượng cũng như chất lượng. Khả năng tương tác cao hơn, phạm vi rộng và khả năng đánh cắp thông tin tình báo cũng ngày càng tinh vi, đe dọa an nguy cho hệ thống thông tin bảo mật. Điều đó buộc các nhà hoạch định quân sự phải thiết lập mạng lưới bảo vệ hoặc thắt chặt nghiêm ngặt an ninh không gian mạng.

Hệ thống an ninh mạng phát triển từng ngày, đồng nghĩa với việc những kẻ thù tiềm tàng có thể tìm ra càng nhiều lỗ hổng để xâm nhập và thiệt hại nặng nề hơn. Chỉ cần tấn công thông qua một điểm truy cập bất kì, kẻ xấu hoàn toàn có thể làm rối loạn dữ liệu, nhiễu động các cảm biến và làm hư hại hệ thống vũ khí chiến đấu đấu tự động. Ngoài ra, các cuộc tấn công không gian mạng có thể gây ra tình trạng xáo trộn sóng vô tuyến, gián đoạn tín hiệu hệ thống định vị toàn cầu (GPS), ảnh hưởng lớn đến các hoạt động tác chiến tổng hợp khác.
Tính khả thi trong chiến đấu

Một trong những nỗ lực thắt chặt hệ thống không gian mạng hiệu quả nhất là ứng dụng công nghệ đám mây. Bằng cách cải thiện quyền truy cập các nút lưu trữ dữ liệu (node) riêng biệt và phân tán rộng khắp mạng lưới, công nghệ đám mây vừa cho phép kết nối với mạng nội bộ của quân đội, vừa có thể trực tiếp thu thập thông tin và trao đổi chiến thuật chiến đấu nhanh chóng.

Công nghệ đám mây có tính khả thi vì cho phép các binh lính dễ dàng thu thập dữ liệu tình báo, biểu đồ, tín hiệu cảm biến và tài liệu có sẵn từ các máy tính khác, thậm chí có thể hoạt động trong trường hợp mạng nội bộ bị gián đoạn. Đám mây có thể coi là cụm máy chủ - ổ cứng khổng lồ di động có khả năng chạy các chương trình từ xa hoặc truyền dữ liệu thông qua mạng nội bộ. Lợi thế của nó ở chỗ người truy cập không thể tải tất cả dữ liệu mà chỉ tải những thông tin phù hợp nhất có chọn lọc.

Nhờ các ứng dụng phát triển trên nền tảng công nghệ AI và tự động hóa máy tính, công nghệ đám mây có thể lập tức xử lí thông tin nào có thể cần nhất phù hợp tình huống chiến đấu cụ thể. Các thuật toán nâng cao, tốc độ xử lí cao và khả năng truy cập tức thời có thể nhanh chóng phân tích và trả về dữ liệu yêu cầu trong khối lượng thông tin vô hạn.


Không gian mạng đóng vai trò vũ khí bí mật của Mỹ trong thời đại AI. (Nguồn: National Interest)


Tăng cường bảo mật ở cấp độ cao hơn

Bất cứ công nghệ tiên tiến nào cũng cần được xem xét mức độ hiệu quả dưới góc nhìn đa chiều. Trong khi công nghệ đám mây mang lại những lợi thế chưa từng có, việc gộp và chia sẻ dữ liệu bằng công nghệ đám mây đòi hỏi việc bổ sung các biện pháp bảo vệ không gian mạng ở cấp độ tiên tiến nhất. Nếu bất kì kẻ xâm nhập nào đánh cắp được quyền truy cập vào một cổng thông tin bất kì, hậu quả là một khối lượng lớn dữ liệu có thể dễ dàng bị kiểm soát và sao chép thông qua lỗ hổng duy nhất.

Tuy nhiên, khi phát hiện có “hacker” xâm nhập, các đám mây cũng có thể nhanh chóng triển khai các biện pháp bảo mật khẩn cấp bằng cách cập nhật các bản sửa lỗi, bản vá mới hoặc triển khai các công nghệ tăng cường bảo mật trên khắp các nút truy cập, do đó nhanh chóng sửa chữa các lỗi bảo mật đang tồn tại trong phạm vi không gian mạng. Việc nâng cấp bảo mật hỗ trợ công nghệ đám mây có thể đồng thời cải thiện khả năng bảo vệ của các nút lưu trữ thông tin.

Bên cạnh đó, các kỹ thuật tăng cường bảo mật mới được phát triển bởi Tổng cục Hậu cần Quân đội Mỹ vừa cho phép truy cập vừa duy trì đăng nhập của một điểm truy cập nào đó, đồng thời “chia nhỏ” dữ liệu tùy theo nhu cầu. Bằng cách cân đối hợp lí các dữ liệu tại các điểm lưu trữ, cải thiện mức độ sao chép và tiến hành cập nhật liện tục bằng giao thức, có thể giảm thiểu rất nhiều vấn đề rủi ro xoay quanh an ninh mạng

Việc xây dựng khả năng tự phục hồi trong không gian mạng giúp nhà phát triển vũ khí có thể sớm vá các lỗ hổng bảo mật, đồng thời phân tích và giải quyết các mối nguy hiểm tiềm ẩn. Bên cạnh đó, họ có thể dự đoán các cuộc tấn công của kẻ thù để sớm thiết lập các biện pháp ngăn chặn.

Ngoài ra, việc cập nhật phần mềm thường xuyên, xây dựng tường lửa nhiều lớp, mã hóa dữ liệu ở “trạng thái nghỉ” và “trạng thái quá cảnh” cũng giúp gia tăng mức độ an toàn của hệ thống không gian mạng kết nối với vũ khí và kiến trúc quân sự quan trọng.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét