About Me

Hoa Kỳ đã phát triển loại vaccine đầu tiên có khả năng tiêu diệt ung thư

Hoa Kỳ phát triển loại vaccine đầu tiên có khả năng tiêu diệt ung thư – hiệu quả hơn cả thuốc 


Hoa Kỳ đã phát triển loại vaccine đầu tiên có khả năng tiên diệt ung thư… (ShutterStock)


Trung tâm Ung thư của trường Đại học Ohio, Mỹ, đã bước đầu phát triển thành công một loại vaccine điều trị ung thư. Kết quả thí nghiệm trên động vật đã cho thấy khả năng loại bỏ tế bào ung thư với hiệu quả còn hơn các liệu pháp miễn dịch hiện tại…

Trong những năm gần đây, liệu pháp miễn dịch đã giúp cứu sống rất nhiều bệnh nhân ung thư, một trong những liệu pháp đó thậm chí đã giành được giải Nobel Y sinh vào năm 2018. Liệu pháp miễn dịch là một liệu pháp giúp tăng cường hệ thống miễn dịch thông qua việc kích hoạt các tế bào bạch cầu, các cơ quan, mô của hệ thống bạch huyết để chống lại ung thư. 

Liệu pháp miễn dịch có rất nhiều nhưng nổi bật nhất là liệu pháp dùng “chất ức chế trạm kiểm soát miễn dịch”. Điều đã giúp James Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) được xướng tên trong buổi lễ trao giải Nobel trong năm 2018.


 Cơ chế hoạt động của “chất ức chế trạm kiểm soát miễn dịch”

Tế bào T trong hệ thống miễn dịch của con người có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, trước khi tế bào T bắt đầu loại bỏ tế bào ung thư, chúng cần phải vượt qua “trạm kiểm soát miễn dịch” để tránh gây hại cho các tế bào vô tội. Các tế bào ung thư có thể giả vờ là người vô tội hoặc gây nhầm lẫn tại các trạm kiểm soát miễn dịch. Việc sử dụng các chất ức chế trạm kiểm soát miễn dịch tương đương với việc loại bỏ trạm kiểm soát để tế bào T có thể tiêu diệt tế bào ung thư một cách thuận lợi hơn.

Vaccine PD1-Vaxx được phát triển bởi Trung tâm Ung thư Đại học Bang Ohio hiện là vaccine ức chế trạm kiểm soát miễn dịch đầu tiên. PD-1 là một điểm kiểm tra miễn dịch chính. Nhiều loại thuốc điều trị miễn dịch cũng được sử dụng để ức chế PD-1.

Tuy nhiên, các loại thuốc điều trị miễn dịch thường là các kháng thể đơn dòng, một phương pháp khác trong liệu pháp miễn dịch. Mặc dù chúng rất hiệu quả đối với một số bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối và có thể chữa khỏi bệnh, nhưng tỷ lệ bệnh nhân kháng thuốc hoặc không đáp ứng thuốc lên tới 60% đến 70%, họ thậm chí còn có tái phát.

Vaccine PD1-Vaxx thì khác, chúng có thể kích hoạt phản ứng “kháng thể đa dòng”. Vì vậy, nó có thể ức chế điểm kiểm soát PD-1 từ nhiều nơi và hiệu quả hơn các loại thuốc kháng thể đơn dòng. Vaccine PD1-Vaxx cũng có thể ngăn cơ thể bệnh nhân ung thư xảy ra các phản ứng kháng thuốc.

Các thí nghiệm trên động vật cho thấy vaccine PD1-Vaxx có thể ức chế hiệu quả sự phát triển của khối u mà không gây ra tác dụng phụ nguy hiểm sau khi tiêm.

Tác giả đầu tiên của nghiên cứu, giáo sư Pravin Kaumaya của Đại học bang Ohio cho biết có hai điểm mấu chốt trong nghiên cứu này: 

“Thứ nhất, vaccine có thể kích hoạt tế bào B lẫn tế bào T, hai loại tế bào của hệ miễn dịch, để tiêu diệt khối u. Thứ hai, nếu vaccine và thuốc điều trị miễn dịch được sử dụng cùng lúc, vaccine có thể ngăn chặn đường truyền tín hiệu của tế bào ung thư và ức chế sự phát triển và tồn tại của tế bào ung thư”.

Vaccine PD1-Vaxx sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người ở bệnh nhân ung thư phổi vào đầu năm 2021. Komaya cho biết: “Tôi rất vui mừng khi bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine này tại Hoa Kỳ, mang lại hy vọng mới cho những bệnh nhân ung thư phổi và các bệnh ung thư khác”.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Oncoimmunology.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét