About Me

Đà Lạt Xưa và Nay

Có 50 năm người Pháp ra sức xây dựng thành phố Đà Lạt, chẳng phải vì dân địa phương - những người Lạch du canh du cư - cũng chẳng phải cho chính quyền 1946. Mà cho chính họ, những người Pháp đã thôn tính và thuộc địa hóa cả Đông Dương. 


Họ tìm thấy, họ xây dựng, họ sống ở đây, và với nhiều gia đình, tuy chỉ là đi kinh tế mới. Nhưng Đà Lạt đã trở thành quê hương của họ. Nếu bây giờ mọi người hỏi những người dân Ka Đơn, Proh, Lâm Hà - những người đi kinh tế mới - họ có yêu mảnh đất khẩn hoang của họ không, tôi tin rằng ai cũng nói là yêu mến và gắn bó. Cho dù, khổ nhiều hơn sướng cho những người khai hoang. 

Và người Pháp, họ có thể nã súng vào những con người lạc hậu ở các đất nước thuộc địa để họ đánh chiếm và cai trị. Họ là thực dân, và đó là câu chuyện của lịch sử. Máu đã đổ và họ cũng đã nằm xuống cho những mảnh đất mà nhiều người trong họ đã chọn làm quê hương thứ hai. 



Đà Lạt là một trường hợp đặc biệt, từ nguồn gốc của nó, vốn là vùng tách biệt với những vùng khác, nơi có những bộ lạc du canh du cư sống chung với nai, bò rừng, voi, rừng sâu và núi thẳm. 

Rồi văn minh tới, 10 năm cho một cái khách sạn - khách sạn Langbian - 25 năm cho đường ray xe lửa 90km từ Phan Rang leo liên tục với đường ray răng cưa leo xa và cao nhất thế giới. 3500 ngôi biệt thự từ Nouvo tới Art Deco. Nhưng đó chẳng phải là kỉ lục, cũng chẳng phải là những con số mang tính khoe mẽ. Nó là máu, nước mắt, là tự do, là giao thoa giữa những con người, những văn hóa bản địa và văn minh thế giới mang tới. 

Đà Lạt những năm 30, ngay cả người Pháp, người Việt, tất cả mọi người ở khắp nơi đều muốn một lần được đặt chân tới một vùng đất kì lạ về khí hậu, thổ nhưỡng, kiến trúc và cuộc sống của cả Đông Đương. 

Thảm họa du khách chẳng phải tới 2018 người ta mới gào lên là sao Đà Lạt có khỉ gì mà kéo nhau tới đông thế. Hãy nhìn tấm hình mùa hè 1934, du khách lên Đà Lạt chơi ở hồ Lớn - tức là hồ Xuân Hương bây giờ - mới thấy, thời nào Đà Lạt cũng đông đúc và mê hoặc du khách đến dường nào. 

Đà Lạt có lịch sử, có văn hóa, có kiến trúc. Tiếc thay, nó chỉ là "đã từng". 

Thảm họa cho Đà Lạt bây giờ tới từ mọi thứ: kiến trúc tổng thể bị phá nát, smartphone với chức năng selfie, wefie làm người ta chỉ muốn nhanh hơn, tiện hơn, hời hợt hơn mà thôi. Những cảnh đẹp vùi vào trong rừng bây giờ đã thành nhà hộp vùi trong nhà hộp, hàng quán xe 50 chỗ 25 chỗ 12 chỗ chen nhau như mắc cửi chỉ để chở những du khách quá cân không phải đi bộ thêm 50m. 

Càng ngày, cùng với thức ăn nhanh và thức ăn sẵn, người ta đi du lịch cũng thích mì ăn liền hơn là khám phá. Xung quanh Đà Lạt 10km, 20km, 30km vẫn còn những cánh rừng, vẫn còn những cảnh sắc Đà Lạt, nhưng nếu không có chỗ lên ảnh trông có vẻ ăn ảnh, nếu không có nước suối ướp lạnh, không có được phụ vụ tận răng thì người ta cũng chỉ kéo nhau lên giữa thành phố. Đứng cạnh hồ Xuân Hương, lang thang đến café Tùng something, chụp hình với bức tường vàng là coi như đủ đi Đà Lạt. 

Có bạn du khách tới tất cả các điểm rẻ tiền chỉ dành cho du khách và về than phiền là không được như ý. Thật ra, cho dù các bạn đi lên tới sao Hỏa mà không xem kĩ review và tham khảo nhiều, tôi tin chắc bạn cũng sẽ bị xe taxi sao Hỏa lừa cho chạy trả tiền tóe khói cho xem. 

Đà Lạt, vốn dĩ là một nơi để khám phá - bằng chính phong cách nhẹ nhàng - ẩn mình dưới những tán thông. Là nơi mà bằng chính thái độ tìm tòi và hòa mình vào với không khí đậm chất lịch sử và văn hóa - nơi mà nếu bạn nghĩ rằng mình là một kẻ hiểu biết - thì sẽ tìm được những hiểu biết. Còn không, thì bạn sẽ chỉ nhận lại được những hời hợt, nhạt nhòa và hầu như chẳng đọng lại gì cả. 

Và nếu như người Pháp họ xây dựng một nền móng cho Đà Lạt, mà có nhiều giá trị đến cả trăm năm, thì bây giờ, chỉ cần một thứ thôi cũng phá hỏng tất cả, nó chỉ là một điều đơn giản của mọi người khi đối xử với Đà Lạt: đó là ý thức. 

Có bạn nào đó cay đắng thốt lên: chúa ơi, sao người ta tới đây mà quên não với ý thức vậy. Nó chẳng phải là một lời chửi bới, nó chỉ là một kết luận về thời cuộc, về cách mà con người bây giờ đối xử với chính chỗ mình đang đứng mà thôi. 

Nếu mỗi du khách và một người địa phương, chỉ cần trước khi ném một miếng rác xuống đất, chỉ cần nghĩ lại, thì tôi tin là Đà Lạt, sẽ mãi mãi luôn là một nơi đáng nhớ và quay lại cho mọi người.

Facebook của Tác Giả Nguyễn Trần Huy Phong

Mội số hình ảnh Đà Lạt 


Đăng nhận xét

0 Nhận xét