About Me

Một vài từ ngữ giờ người Sài gòn ít sài

Hồi còn nhỏ ờ Saigon tôi nhớ chuyện gì xảy ra đã lâu hay nghe người ta nói “Từ thời bà Cố Hỷ”, hoặc “Từ thời Bảo Đại còn… ở truồng”. Bảo Đại là ông vua cuối cùng của nhà Nguyễn, cũng là vị vua cuối cùng của Việt Nam thì ai cũng biết, còn “bà Cố Hỷ” là ai thì hỏi chẳng ai rõ. Tình cờ vừa rồi rảnh rỗi đọc quyển “Tự vị tiếng nói miền Nam” của học giả Vương Hồng Sển mới rõ “bà Cố Hỷ” là ai.



Mỗi khi trò chuyện nếu ai đó cố nhắc mãi những chuyện cũ không còn hợp thời, người dân lớp trước vùng sông nước Nam Bộ đã gọi trại “bà Thiên Y” thành “bà Cố Hỉ”

Cụ Vương cho biết bà Cố Hỷ là tên một nữ thần ở vùng Bà Rịa, trước đây dân rất kiêng sợ, không dám gọi đến tên, nhưng từ ngày khoa học tiến bộ, đã lui vào dĩ vãng. “Từ thời bà Cố Hỷ”, thành ngữ để tỏ rằng việc xảy ra từ quá lâu đến lu mờ không rõ ắt xảy ra từ bao giờ, cũng như “Từ thời ông Nhạc ỉa cứt su”. Cụ Vương cũng cho biết đây là một thành ngữ của miền Nam có ý nghĩa như “Từ rhời bà Cố Hỷ”. Cụ Vương viết:

“Xét ra Nhạc đây là ông Nguyễn Nhạc, chúa Tây Sơn, cả ba ông không có chữ lót “Văn” như trong Nam thường lầm, và tích “ỉa cứt su” là tiếng nói trong Nam thuở ông Hoành, ông Trắm, đời Ngụy Khôi đây thôi, không nên kéo ông tướng của Tàu vào”, tướng của Tàu đây là nhân vật Nhạc Phi đời Tống

Cũng có một vài từ khác bây giờ tôi ít nghe ai nói đến là “thả cửa, thả giàn”. Trong sách cụ Vương có nói đến. “Cửa” là “cửa rạp hát”, “giàn” là “giàn hát”. Thả cửa là mở cửa rạp hát cho ra vô thong thả, thả giàn là hát gần vãn cho vào xem không thâu tiền vô cửa nữa, có ý làm quảng cáo mời mọc đến xem diễn tuồng hôm sau: trẻ nít thường chờ thả giàn thả cửa thì ào vô xem hát cọp không tiền.

Nghĩa bóng: thả cửa, thả giàn là làm hoặc nói luông tuồng tự do, không nương tay cũng không kềm hãm nữa” ăn xài thả cửa, ăn nói thả giàn. Đồng nghĩa với làm líb, nói líb: làm líp, nói líp.

Như cụ Vương nói bên trên thì từ líp (líb) là từ tiếng Pháp libre có nghĩa là tha hồ, thỏa thích. Người miền Bắc cũng có câu nói tương tự như câu thả cửa, thả giàn của miền Nam là líp ba ga, mà có người khôi hài vẽ tranh hài hước mâm trái cây cúng ngày tết của quan tham gồm: trái mãng cầu, trái chôm chôm, trái xoái, cái líp và cái ba ga của xe đạp (cầu chôm xài líp ba ga).



Theo học giả Vương Hồng Sển – Líp ba ga – có nguồn gốc từ “giới xe đò”….. Khi họ chở dư hành khách và chất trên mui dư quá nhiều hàng hóa, lính Tây nhắm mắt cho qua, không tra xét, không xử phạt nên người lơ xe mừng quá bèn la lớn : “Líp ba ga” !, Cũng theo cụ Vương, người Pháp không nói “libre bagage” ( tự do hành lý ), đây chỉ là kiểu nói tiếng Tây bồi……xuất hiện từ khi Saigon có xe đò chạy miền tây, Lục tỉnh.!

Đăng nhận xét

0 Nhận xét