About Me

Sống Và Dạy Trẻ Với Các Màng Hình

Khác với các thế hệ trước, hiện trẻ được sinh ra và lớn lên trong một môi trường với vô vàn loại màn hình (TV, games, Ipad, máy tính, điện thoại di động,…). Trẻ tiếp cận với màn hình rất sớm nhưng các phương tiện thông tin mới này không phải chỉ cho toàn là lợi ích, nhất là khi nhu cầu phát triển toàn diện của trẻ rất là cần thiết… 

Khả năng dùng các màn hình không bẩm sinh. Từng bước, trẻ cần được giải thích để nắm rõ tiện lợi và hiểm nguy của công cụ này và học cách đối xử để chúng thận trọng, sử dụng có suy nghĩ và làm chủ – chứ không là nạn nhân- của các phương tiện thông tin. 

Đối thoại với trẻ bắt đầu từ gia đình. Trường học tiếp tục sau đó để từ từ cho trẻ biết dùng các màn hình, các phương tiện thông tin như máy tính bảng, internet, các mạng xã hội, …dùng với những cẩn mật cần thiết. 

Cha mẹ cũng không nên sử dụng màn hình suốt ngày trước mặt trẻ: chúng có khả năng bắt chước rất giỏi và sẽ thành “nghiện màn hình”, như cha mẹ – nếu cha mẹ nghiện. Lúc đó mọi giáo dục sẽ thành vô cùng khó khăn. 

Tránh cho trẻ nhỏ dùng máy tính 


1. Không màn hình trước 3 tuổi, hay ít nhất là tránh tối đa. 

Trước 3 tuổi trẻ bị lôi cuốn và hấp dẫn bởi màn hình nhưng chúng không tiếp thu được vì trên đó các hình ảnh biến chuyển nhanh quá. Màn hình làm chúng mõi mắt một cách vô ích. 

Trên thực tế, một số cha mẹ dùng màn hình thay cho cô trông giữ trẻ – thông thường các cháu… rất ngoan khi được đặt trước một phim hoạt hình trên TV – Như một bác sĩ thần kinh nhiều kinh nghiệm, Serge Tisseron (tâm lý gia, một bác sĩ tâm thần và bác sĩ phân tâm học) bảo rằng não của trẻ, trước 3 tuổi, còn nhiều vùng chưa được tiếp nối với nhau bởi các dây liên hoàn (synapses). Trẻ cần những sinh hoạt giúp chúng liên kết các vùng thuộc não điều khiển năm giác quan để cấu kết các vùng của não bộ – thí dụ như khi chúng cầm lấy một vật nào đó, đưa lên miệng ngậm, ném vật ấy xuống đất, nghe tiếng động rồi chạy theo nhặt vật ấy : chỉ thế thôi nhưng huy động được cả toàn bộ não, các giác quan và tay chân. Màn hình không giúp trẻ phát triển như thế. Màn hình không cho trẻ những sinh hoạt mà chúng cần, ở tuổi của chúng. 

Theo các quảng cáo, các máy tính mang đến những hình ảnh sinh động giúp trẻ “thông minh hơn”. Nhưng kết quả các nghiên cứu hoàn toàn trái ngược. Trẻ có thể theo dỏi một truyện kể trên màn hình. Nhưng chúng hoàn toàn thụ động. Trong khi nghe cha mẹ (hay cô giáo) kể, với một quyển sách trên tay, trẻ có thể thấy sự sống động của người đọc, có thể cùng lật các trang sách, quan sát và cùng trao đổi phản ứng, … 

Trẻ chơi games quá sơm thường có tính cấu gắt 


2. Không chơi games trước 6 tuổi. 

Ngay cả khi những nhà sản xuất games quảng cáo hết mình về những trò chơi của tuổi mẫu giáo – họ biết là tạo thói quen sớm thì trẻ sẽ thành những người tiêu dùng trung thành trong nhiều năm – Nhưng không nên cho trẻ chơi games vì những trò chơi này có sức lôi cuốn rất lớn, trẻ chưa đủ miễn nhiểm hay chưa đủ suy luận để rời màn hình cho những sinh hoạt khác – những sinh hoạt tối cần thiết cho trẻ ở độ tuổi này: chúng rất cần phát triển thể hình, vận động, khám phá ngôn ngữ và cảm giác. Chơi games thường là chơi một mình, không giúp trẻ tập tành liên hệ xã hội. Đó là chưa nói tới hiện thời trên thị trường, có rất nhiều trò chơi không thích hợp với chúng. 

Đi vào chi tiết, Serge Tisseron bảo rằng ở độ tuổi này, từ 3 đến 6, trẻ cần các trò chơi thuộc hai dạng khác nhau – vừa cảm giác / hành động vừa kể chuyện – để cùng lúc phát triển tâm lý – thể hình và làm giàu vốn ngôn ngữ. Các games không giúp hoàn thành hai vai trò đó. 

Bên cạnh đó, trên TV, Serge Tisseron đã đếm thấy rằng hơn 80% các chương trình dành cho trẻ dưới 6 tuổi thật ra là không thích hợp cho độ tuổi của chúng. Nhất là không thích hợp với tâm lý của trẻ. 

Tiếp xúc thường xuyên internet - trẻ dễ bị gây nghiện


3. Không Internet trước 9 tuổi, và Internet có hướng dẫn cho tới khi trẻ vào trung học, lớp 6 – tức là 12 tuổi. 

6 tới 9 tuổi là tuổi của những năm đầu tiểu học, là lúc trẻ đủ khả năng tiếp cận tri thức của trường học, tập đọc, tập viết, tập làm các phép tính căn bản. Đủ khả năng để chăm chú, đủ kiên nhẫn để làm xong một công việc được giao, biết sáng chế ra giải pháp để giải quyết các vấn đề khi gặp khó khăn. Chơi games ở tuổi này có thể giúp trẻ phát triển thêm các khả năng vừa kể trên – kiên nhẫn, sáng tạo, giải quyết vấn đề, …

Nhưng cũng cần chọn cho chúng những games hợp với tuổi của chúng và tránh tiếp xúc với bạo lực. 

Theo Serge Tisseron, cũng chỉ nên tặng trẻ cái điện thoại di động đầu tiên sớm nhất là khi chúng tròn 9 tuổi, với những dặn dò về trách nhiệm của chúng trong cách dùng phương tiện thông tin và liên hệ xã hội này. 

Nhưng không Internet trước 9 tuổi vì trên mạng cái tốt và cái xấu lẫn lộn, đồng thời hiện hữu mà trẻ thì chưa có khả năng phân biệt biệt được – trừ phi là cha mẹ tiếp tục dìu dắt chúng trên internet hay cài phần mềm giới hạn tiếp cận cho trẻ, một loại hàng rào ngăn những phần cấm địa. 

Ngay tới sau 9 tuổi, trẻ cũng còn cần sự hướng đẫn của cha mẹ khi tiếp cận với Internet. Hướng dẫn của người lớn cần để tránh cho trẻ tiếp cận những hình ảnh không thích hợp với độ tuổi và tránh cho chúng những sinh hoạt, trên mạng, có hại cho chính bản thân chúng – đưa đời tư lên facebook chẳng hạn – vì chúng chưa ý thức được rõ ràng cái nào là riêng tư, cái nào là thật, là giả. 

9 tới 12 tuổi còn là tuổi của các nhóm bạn, bị ảnh hưởng của bạn. Tiêm nhiểm bạo lực cũng nhiều nhất ở thời điểm này. Các games và các sites internet không thích hợp có thể đưa đường dẫn lối cho trẻ đến những cách cư xử đầy bạo hành. 

Nên cho trẻ sinh hoạt tập thể 


4. Internet một mình từ 12 tuổi, 

Khi trẻ đã thấm nhuần những cẩn mật cần thiết, biết tôn trọng thời dụng biểu và biết lúc rời internet cho những sinh hoạt khác,… Tức là lúc chúng đủ khả năng quyết định và tổ chức sinh hoạt của mình. Biết giờ phải đi ngủ hay giờ phải dành cho việc học. Cha mẹ vẫn còn phải sàng lọc những địa chỉ cấm kỵ (các sites về sex hay các trò chơi may rủi chẳng hạn) và vẫn còn phải dùng những phương tiện phần mềm làm rào cản. 

Cở 3 tới 5 tuổi chẳng hạn, một giờ mỗi ngày trước màn hình là giới hạn cần thiết. Ở tuổi này chúng bắt đầu có khả năng hiểu được những kỹ thuật sản xuất thông tin, chúng bắt đầu biết phân biệt cái đùa, cái nghiêm chỉnh, và hiểu được những giới hạn đặt ra bởi cha mẹ. Màn hình khác đời thường, … Cha mẹ ở đó để giải thích cho chúng về những vấn đề này. 

Trẻ từ 3 tuổi biết là không được nhận kẹo hay đi theo một người lạ. Tức là chúng có khả năng hiểu rằng những gì trên màn hình không hẳn là sự thật. 

Trong tất cả mọi trường hợp, ngay cả sau 12 tuổi, cha mẹ và các nhà giáo nên thường xuyên bảo trẻ rằng: 

1. tất cả những gì chúng cho lên internet ai cũng có thể đọc được ; 
2. tất cả những gì cho lên internet sẽ vĩnh viễn ở đấy ; 
3. phải thận trọng kiểm soát vì tất cả những gì chúng tìm thấy trên internet hay trên TV không hẳn đều là đúng, không hẳn là sự thật. 

Tác giả: Serge Tisseron 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét