About Me

Để được đăng bài trên các tạp chí khoa học

Các biên tập viên từ các tạp chí chuyên ngành đã chia sẻ một số kinh nghiệm về cách sắp xếp bố cục bài báo, viết thư trình bày (cover letter), và xử lý các nhận xét rầy rà từ các nhà bình duyệt. 


Đăng bài trên các tạp chí khoa học là một việc rất cạnh tranh. Ngay cả khi bạn vượt qua những trở ngại để viết ra ý tưởng có giá trị hay kết quả nghiên cứu, làm sao để bạn tóm tắt lại theo cách mà các nhà bình duyệt ưa thích? 

Không hề có một công thức đơn giản nào để bài báo của bạn được đăng. Kì vọng của các biên tập viên có thể thay đổi theo từng lĩnh vực nghiên cứu và thậm chí khác nhau ngay trong cùng một lĩnh vực. Nhưng có một số khó khăn mà các nhà nghiên cứu thuộc bất cứ lĩnh vực nào cũng phải trải qua. Bạn nên xử lý đóng góp của các nhà bình duyệt như thế nào? Thế nào là bố cục đúng cho một bài báo? Có phải lúc nào cũng nên sẵn sàng sửa đổi bài và nộp lại? Chúng tôi đã hỏi các biên tập viên từ các tạp chí chuyên ngành thuộc nhiều lĩnh vực về các mẹo để xuất bản bài báo.

A. Giai đoạn viết bài 

1. Tập trung vào một câu chuyện phát triển theo trình tự logic, thay vì phát triển theo trình tự thời gian. 

Trước khi bắt tay vào viết, hãy suy nghĩ kĩ về logic của bài báo. Khi viết, hãy tập trung phát triển theo mạch logic, thay vì chọn viết theo trình tự thời gian của thí nghiệm mà bạn đã thực hiện. 

Deborah Sweet, biên tập viên của Cell Stem Cell và giám đốc xuất bản của Cell Press

2. Đừng cố vừa viết vừa chỉnh sửa 

Hãy mở một file trong máy tính và chèn các mục chính trong bài, rồi lấp đầy dần bằng các ý tưởng mà bạn có. Nếu đã đạt được mục tiêu trong ngày (ví dụ của tôi là 500 từ/ngày), thì hãy đặt các ý tưởng khác dưới dạng gạch đầu dòng và tạm nghỉ. Ngày hôm sau lại tiếp tục phát triển ý từ các gạch đầu dòng này. 

Khi đang viết mà bạn không tìm được từ thích hợp (ví dụ con voi), đừng ngại, hãy tiếp tục viết (con vật có vòi dài), sau đó hẵng quay lại sửa. Đừng vừa viết vừa sửa, nếu không bạn sẽ bị ngắt mạch. 

Roger Watson, tổng biên tập, Journal of Advanced Nursing

3. Đừng giấu luận điểm của bạn trong mê cung rắc rối 

Nếu đang đi xe buýt mà gặp ai đó nhờ bạn giải thích nhanh bài báo của mình, liệu bạn có thể giải thích thật mạch lạc bằng ngôn ngữ phổ thông? Đoạn đầu của phần tóm tắt (abstract) của bạn nên có luận điểm viết bằng thứ ngôn ngữ mạch lạc này. Đừng bắt chúng tôi phải truy tìm luận điểm của bạn trong một mê cung rắc rối. Chúng tôi sẽ phát rồ nếu mãi đến trang 7 mới đọc thấy điều bạn muốn nói là gì. Và hãy chắn chắn là luận điểm của bạn liền mạch trong nhiều phần của bài báo và gắn kết giữa phần lý thuyết và thực tiến. 

Fiona Macaulay, ban biên tập, Journal of Latin American Studies

4. Nhờ đồng nghiệp đọc bài giúp 

Một trong những vấn đề mà các biên tập viên gặp phải là nhiều bài báo viết rất dở. Lý do có thể là vì tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của tác giả và bài báo không được đọc và sửa nhiều lần trước khi gửi đi. Nếu ngôn ngữ và cấu trúc bài báo dở thì sẽ rất khó mà được nhận đăng. 

Brian Lucey, biên tập viên, International Review of Financial Analysis

5. Các bài dạng bình luận hoặc hồi đáp sẽ dễ được nhận đăng hơn 

Viết các bài bình luận (hoặc điểm sách – review) là một cách tốt dễ được nhận đăng, đặc biệt là cho người mới bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu. Đó là cơ hội để tập viết báo và để được nhận tặng một cuốn sách mà bạn muốn. Chúng tôi đăng bài bình luận nhiều hơn bài báo, do đó chúng tôi thường xuyên tìm các nhà viết bài bình. 

Một số tạp chí như chúng tôi xuất bản các bài hồi đáp cho các bài đã đăng trên tạp chí của mình. Các biên tập viên thích xuất bản các bài hồi đáp này vì chúng sẽ kích thích thảo luận. 

Yujin Nagasawa, đồng biên tập và bình duyệt của tờ European Journal for Philosophy of Religion, biên tập triết học tôn giáo của Philosophy Compass

6. Đừng bỏ rơi các độc giả quốc tế 

Chúng tôi nhận được bài từ những người đang nghiên cứu ở Mĩ và họ giả định rằng độc giả nào cũng quen thuộc với hệ thống vận hành kiểu Mĩ. Điều này cũng đúng với các tác giả sống ở Anh. Do chúng tôi là tạp chí quốc tế, nên chúng tôi cần các tác giả làm rõ điều họ muốn nói trong ngữ cảnh quốc tế. 

Hugh McLaughlin, tổng biên tập, Social Work Education – the International Journal

7. Đừng nhét hết luận án vào một bài báo 6000 từ 

Đôi khi người ta muốn nhồi hết mọi thứ vào một bài và muốn đạt được nhiều mục tiêu cùng một lúc. Chúng tôi gặp rất nhiều người cố nhét hết cả luận án tiến sĩ và một bài báo 6000 từ mà điều đó là bất khả thi. Các tác giả dày dạn hơn sẽ viết hai hay ba bài từ một dự án nghiên cứu, mỗi bài chỉ dùng một khía cạnh mà thôi. 

Hugh McLaughlin, tổng biên tập, Social Work Education – the International Journal

B. Đăng bài 

8. Hãy chọn đúng tạp chí: dấu hiệu xấu là khi bạn không biết ai trong ban biên tập 

Hãy kiểm tra bài báo của bạn xem nó có nằm trong phạm vi của tạp chí mà bạn chọn đăng hay không. Rõ ràng đến thế mà nhiều tác giả lại gửi bài lên các tạp chí hoàn toàn không khớp. Dấu hiệu xấu dễ nhận thấy là khi bạn không biết một ai trong ban biên tập. Lý tưởng là bạn nhìn qua một vài số tạp chí vừa xuất bản để chắn chắn là các bài đã đăng có cùng đề tài với bạn, đồng thời có chất lượng và tầm ảnh hưởng tương đương với bài của bạn. 

Ian Russell, giám đốc biên tập phần khoa học của Oxford University Press

9. Tuân thủ quy trình đăng bài 

Các tác giả thường không dành quá 10 phút để đọc hướng dẫn nộp bài, khiến cả tác giả lẫn biên tập viên phát tốn rất nhiều thời gian và công sức, thậm chí làm quy trình duyệt bài lâu thêm. 

Tangali Sudarshan, biên tập viên, Surface Engineering

10. Đừng lặp lại phần tóm tắt (abstract) trong thư trình bày (cover letter) 

Chúng tôi muốn đọc các thư trình bày có hàm chứa các nội dung như bài của bạn có gì thú vị và quan trọng, và tại sao bạn lại phù hợp với tạp chí này. Không cần thiết phải lặp lại phần tóm tắt hoặc viết lại nội dung chi tiết của bài báo. Đằng nào chúng tôi cũng sẽ đọc bài và biết nội dung là gì. Thư trình bày là nơi để bạn vạch ra một bức tranh tổng thể, cộng thêm những thông tin mà bạn muốn chúng tôi biết. 

Deborah Sweet, biên tập viên của Cell Stem Cell và giám độc xuất bản của Cell Press

11. Lý do phổ biến cho việc từ chối là thiếu ngữ cảnh 

Hãy làm rõ là nghiên cứu của bạn nằm ở chỗ nào trong bức tranh tổng thể chuyên ngành, và nó lấp đầy chỗ khuyết nào mà các nghiên cứu trước đây chưa giải quyết được. Một lý do phổ biến cho việc từ chối xuất bản sau khi bình duyệt là bài báo thiếu ngữ cảnh hoặc chưa rõ lý do tại sao nghiên cứu đó lại quan trọng. 

Jane Winters, biên tập viên của Institute of Historical Research’s journal, Historical Research và phó biên tập của Frontiers in Digital Humanities: Digital History

12. Đừng nói quá về phương pháp luận 

Hiện nay dân tộc học có vẻ đang là phương pháp thời thượng, do đó rất nhiều bài nộp vào tạp chí của tôi đều nhắc đến phương pháp này. Tuy nhiên, qua đọc kĩ, chúng tôi chỉ thấy các dữ liệu có được thông qua phỏng vấn hời hợt. Một số phỏng vấn được thực hiện ở quán cà phê thì không thể coi là dùng phương pháp dân tộc học. Xin hãy làm rõ từ đầu về bản chất và phạm vi của quá trình thu thập dữ liệu. Việc này cũng đúng với lý thuyết áp dụng trong bài. Nếu một lý thuyết nào đó có ích cho phân tích của bạn, hãy thống nhất dùng nó từ đầu đến cuối. 

Fiona Macaulay, ban biên tập, Journal of Latin American Studies

C. Xử sự thế nào với các nhận xét bình duyệt 

13. Trả lời các nhận xét bình duyệt một cách thẳng thắn (và bình tĩnh) 

Khi nộp lại một bài báo đã sửa, hãy gửi kèm theo một bản tóm tắt những sửa đổi mà bên bình duyệt gợi ý, và những phần mà bạn đã sửa đổi theo ý kiến của họ. Hãy nói sự thật, đừng cường điệu quá. Đừng trả lời nhận xét ngay lập tức. Hãy đọc kĩ, nghĩ kĩ trong vài ngày, hãy thảo luận với người khác, rồi viết phần trả lời của bạn. 

Helen Ball, ban biên tập, Journal of Human Lactation

14. Sửa và nộp lại: đừng bỏ cuộc sau khi đã vượt qua những trở ngại chính 

Bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết bao nhiêu tác giả đã nhận được thư “sửa và nộp lại” đã không hề làm theo. Nhưng đó là điều đáng làm. Một số tác giả đã kiên trì sửa và cuối cùng được đăng, nhưng nhiều người khác không hề nộp lại. Khá ngớ ngẩn khi bạn đã vượt qua những trở ngại chính của việc viết báo, nộp đến tay biên tập viên và nhận lại từ người bình duyệt rồi lại buông xuôi. 

Fiona Macaulay, biên tập viên, Journal of Latin American Studies

15. Có thể “cãi” người bình duyệt nếu bạn có cơ sở 

Hoàn toàn chấp nhận được nếu bạn không thay đổi một yếu tố trong bài theo ý người bình duyệt nếu bạn có đủ cơ sở để “cãi”, hoặc có thể (lịch sự) chỉ ra rằng người bình duyệt đã sai. Lời giải thích có lý sẽ được các nhà biên tập chấp nhận, đặc biệt là khi rõ ràng bạn đã cân nhắc mọi góp ý nhận được và sửa đổi theo một số ý kiến đó. 

Helen Ball, ban biên tập của Journal of Human Lactation

16. Nghĩ xem bạn muốn bài mình xuất bản nhanh đến mức nào 

Một số tạp chí có thứ hạng cao hơn những tạp chí khác, nên bạn sẽ có nguy cơ bị từ chối cao hơn. Các tác giả cần nghĩ kĩ xem họ cần bài mình xuất hiện trên tạp chí nhanh đến mức nào, bời vì nhiều tạp chí sẽ mất thời gian lâu hơn. Nhiều tạp chí, như tờ của chúng tôi, cũng có truy cập đặc biệt để một khi đã được chấp nhận, bài báo sẽ xuất hiện trên trang web của tạp chí. Điều này rất quan trọng khi bạn chuẩn bị phỏng vấn xin việc và cần phải cho các nhà tuyển dụng thấy là bạn có khả năng viết bài đăng báo. 

Hugh McLaughlin, tổng biên tập, Social Work Education – the International Journal

17. Hãy nhớ: khi đọc báo đã xuất bản, bạn chỉ thấy bản đã hoàn thiện 

Việc đăng bài trên các tạp chí đầu ngành là việc khó khăn với tất cả mọi người, nhưng có vẻ dễ dàng hơn cho một số người khác. Khi bạn đọc các bài báo đã xuất bản, thực ra bản chỉ thấy bản đã hoàn thiện chứ không hề đọc được bản thảo đầu tiên, hay bản thảo sửa lần một và nộp lại, hay bất cứ bản thảo nào khác, nên bạn không bao giờ nhìn thấy thất bại của người khác. 

Philip Powell, biên tập của Information Systems Journal 

Biên dịch: Lê Huyền 

Đăng nhận xét

0 Nhận xét