About Me

NỔ và KHIÊM CUNG

Không phải trong giới nghiên cứu học thuật mới có sự khiêm cung và thái độ chừng mực. Có thể thấy điều này trong giới khoa học lừng lẫy hải ngoại. Người ta đã nghe nói đến kỹ sư Đinh Trường Hân (đoạt giải môi sinh của Nhà Trắng năm 2006, được tạp chí Public Works chọn là một trong 50 nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ năm 2006);


Từng nghe nói đến bà Lê Duy Loan (kỹ sư Texas Instruments-TI; với hàng chục bằng sáng chế; trở thành phụ nữ đầu tiên và là gương mặt châu Á đầu tiên được bầu làm viện sĩ TI – chức danh trước đó chỉ được trao cho bốn gương mặt nam trong lịch sử TI);


Từng nghe nói đến bà Dương Nguyệt Ánh (cựu tổng giám đốc Phòng khoa học-kỹ thuật thuộc Trung tâm chiến sự Hải quân Hoa Kỳ, người thiết kế bom cực mạnh chuyên phá hầm bêtông);


Từng nghe nói đến ông Trung Dũng (tiến sĩ khoa học máy tính Đại học Boston; cử nhân toán và khoa học máy tính Đại học Massachusetts; từng xuất hiện trên các tạp chí Forbes, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle cũng như trong quyển The American Dream của nhà báo kỳ cựu Dan Rather)…


Nhiều người đã nghe về tài năng và sự nổi tiếng của họ. Điều người ta chưa nghe đến, và có lẽ không bao giờ, là thái độ ngạo mạn, tự cao, tự đại của họ.


Trong chương trình “Tôi Là Người Việt Nam” (Paris By Night 99), MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã kể đến trường hợp ông Trịnh Tiến Trinh, người dù từng được giải "NASA's Inventor of The Year 1992" nhưng vẫn thấy… “mắc cỡ” khi được ông Ngọc Ngạn dùng từ “khoa học gia” gọi mình! Hoặc chuyện ông Đinh Xuân Anh Tuấn (bác sĩ, giáo sư, nhà nghiên cứu). Khi được ông Ngạn hỏi "Ông vừa là một bác sĩ vừa là một nhà giáo vậy ông muốn tôi xưng bác sĩ hay giáo sư?".


Ông Tuấn trả lời: "Thưa anh Ngạn, tôi chỉ là một bác sĩ khi đứng trước bệnh nhân và một giáo sư khi đứng trước học trò, còn ở đây anh cứ gọi bằng tên thường được rồi".

Tại sao những vị này nhún mình khiêm cung? Họ hẳn hiểu rằng chẳng ai có thể toàn bích và sự hiểu biết dù mênh mông của họ vẫn luôn có những giới hạn nhất định. Thái độ này cũng là kết quả của một nền giáo dục không chỉ biết dạy người ta học những điều tử tế mà còn biết hướng người ta đến việc làm thế nào để “hành” cho đúng mực.
Nhà báo quốc tế?

Ngày nay, tính khiêm cung đã phải nhường chỗ cho lối thể hiện kiểu khác. “Nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn không là người duy nhất “nổ” và “xạo không có căn”. “Nổ” đã trở thành “hiện tượng thời đại”. “Nổ” càng “phát huy” khi người ta “tin” rằng thế giới quanh họ có nhiều người mù hơn người sáng mắt. Tỷ lệ những “ông chột” do vậy cứ thế bùng nổ, đặc biệt khi mà nền giáo dục không tạo ra một môi trường cạnh tranh bằng năng lực và do đó không thể có nhiều người tài thật sự để họ nể nang nhau và phải thể hiện sự khiêm cung và khiêm nhường cần có.


Những kẻ như Lê Hoàng Anh Tuấn thật ra là “sản phẩm” của một xã hội đảo điên, từ một nền giáo dục đảo điên. Dân chúng vẫn cứ phải sống chung với những cái “thùng rỗng kêu to” cùng với nền văn hóa “nổ”, không giới hạn và không một chút ngượng, rằng Việt Nam là quốc gia có “nền giáo dục thuộc hàng top 10 thế giới”, rằng Việt Nam là “hình mẫu phát triển kinh tế của Đông Nam Á”, rằng đất nước ta rồi sẽ “hóa rồng”…


Trích một phần bài của tác giả Mạnh Kim


Đăng nhận xét

0 Nhận xét