About Me

Để “sống sót” khi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ

Lắng nghe quan điểm và triết lý của những người bạn kính trọng sẽ giúp bạn tránh được nhiều “ổ gà”.

Khi rời mắt khỏi đống dụng cụ thí nghiệm, Steven ghi chép lại những gì diễn ra trong lab mình. Bên trái: ngôi sao sáng chói Laura. Laura luôn làm việc nghiên túc. Chị đã nộp bản thảo nghiên cứu ngay từ năm đầu tiên vào lab này. Bên phải: nghiên cứu sinh năm thứ 8 Derek. Derek chưa hề có bài báo nào. Gã suốt ngày đắm chìm vào các buổi seminar có kèm pizza miễn phí và lướt web săn giày leo núi giảm giá.

Steven tự hỏi, làm sao để anh, một nghiên cứu sinh năm 2, tránh được số phận của Derek và khép mình vào quỹ đạo của Laura?

Ảnh minh họa


Nhiều người trong chúng ta đã từng có “khoảnh khắc kiểu Steven” khi học sau đại học, khi chúng ta so sánh mình với bạn bè và tự hỏi làm sao để con đường đi tới tấm bằng tiến sĩ bớt chông chênh hơn, khi chúng ta chuẩn bị cho tương lai phía trước. Học hỏi kinh nghiệm của những người bạn tôn trọng sẽ giúp bạn tránh nhiều ổ gà trong đời. Trong bài này, tôi sẽ tiết lộ các mẹo nhỏ để làm việc năng suất, giúp bạn giữ vững nhuệ khí và vươn lên phía trước.

Thiết kế và hoàn thành dự án nghiên cứu

Đặt câu hỏi tốt. Dành nhiều thời gian suy nghĩ về các dự án và phân tích trước khi bạn bắt đầu. Đọc đi đọc lại và chỉnh sửa câu hỏi nghiên cứu thường xuyên.

Nên có ít nhất 2 dự án. Nếu một dự án không đi đến đâu, bạn vẫn có thể tập trung vào dự án còn lại. Bạn có thể phát triển dự án thứ hai bằng cách cộng tác với các bạn cùng lab và các nghiên cứu viên từ lab khác.

Viết rõ mục tiêu. Mục tiêu hiệu quả cần có 5 đặc điểm chính: khó, khả thi, cụ thể, có các mốc thời gian rõ ràng, và phải xem xét và sửa đổi định kỳ.

Viết thường xuyên để viết hiệu quả. Bài viết của bạn đưa câu chuyện khoa học của bạn đến với mọi người. Nên đọc viết thường xuyên để cải thiện kĩ năng viết. Trước khi bắt đầu dự án, hãy viết mục giới thiệu, rồi sửa nhiều lần khi bạn tiếp tục viết các phần sau. Viết hồ sơ xin học bổng hoặc xin tài trợ nghiên cứu. Tham dự các câu lạc bộ và seminar viết báo . Đặt theo dõi trích dẫn hang tuần để nắm được các kết quả nghiên cứu mới nhất liên quan tới chuyên ngành của bạn. Tóm tắt lại các bài báo hay và liên quan, nhớ ghi chú là bài báo đó liên quan tới mảng nghiên cứu của bạn như thế nào.

Hoàn thành đến nơi đến chốn. Nếu thí nghiệm nào đó đáng để theo đuổi, thì nó cũng đáng được hoàn thành. Đừng chỉ dừng lại ở sổ ghi chép thí nghiệm mà hãy tạo các slide PowerPoint tổng hợp các kết quả thí nghiệm. Viết thêm cả phần mục đích, phương pháp, kết quả, và giải thích kết quả cùng với đầy đủ dữ liệu và bảng biểu. Cả giáo sư lẫn bạn sẽ đánh giá cao nỗ lực này nếu mãi về sau bạn muốn lục lại những thí nghiệm này.

Làm việc trong lab

Tôn trọng bạn cùng lab, kể cả Derek. Mọi người trong lab đều có các kĩ năng mà họ có thể giúp bạn. Nếu bạn thường xuyên làm việc với sinh viên đại học hoặc các kĩ thuật viên, hãy bày tỏ sự tôn trọng của bạn bằng cách mời họ ăn trưa. Bạn sẽ thấy kể cả Derek – người đi học cả đời – có những kĩ năng hoặc kiến thức mà bạn có thể hỏi được.

Xin lời khuyên từ người khác. Bạn có thể học cách thiết kế thí nghiệm bằng cách trao đổi với các nhà nghiên cứu lão làng. Liệu bạn đã bao quát hết các chi tiết quan trọng? Nếu bạn cùng lab có vẻ bận thì hãy xếp lịch xin gặp họ.

Bỏ ra một bên. Nếu bạn cùng lab hoặc người hướng dẫn làm bạn giận, hãy viết suy nghĩ của bạn (bí mật thôi), nhưng đừng trả lời ngay lập tức. Bỏ qua một bên rồi đầu óc bạn sẽ tỉnh báo hơn và bạn có thể viết thư trả lời một cách bình tĩnh hơn vào ngày hôm sau – nếu bạn còn định trả lời.

Thừa nhận đóng góp của người khác. Hãy thừa nhận đóng góp của người khác trong mọi bài thuyết trình, thậm chí (hoặc đặc biệt là) các sự kiện nhỏ như họp lab.

Tìm và nộp hồ sơ học bổng và tài trợ đi lại. Giáo sư của bạn sẽ đánh giá cao sự chủ động của bạn, và bạn cũng sẽ có kinh nghiệm từ những việc này – đặc biệt là khi bạn bắt đầu xin tài trợ nghiên cứu.

Cần hướng dẫn của cố vấn? Hãy lên lịch hẹn gặp. Cố vấn của bạn rất bận. Trừ phi họ xuề xòa, còn không thì nên đặt lịch hẹn gặp.

Nhờ giúp đỡ. Nếu bạn không có kiến thức về mảng nào đó, hoặc nếu lịch làm việc quá bận, hãy nhờ ai đó giúp đỡ.

Đừng chế lại bánh xe. Nói chuyện với bạn cùng lab, tìm kiếm các nhà nghiên cứu ở quanh mình, hoặc cộng tác với các chuyên gia ở nơi khác khi bạn cần khai thác một kĩ thuật lạ nào đó. Bạn sẽ không được thêm điểm cho việc ngồi làm một mình đâu.

Học cách nhận biết khi nào thì nên soi vào chi tiết. Nhiều thí nghiệm có những phần phải được tiến hành theo một cách nhất định và có những phần có thể linh hoạt hơn. Nếu bạn biết rõ từng công đoạn, bạn sẽ biết công đoạn nào cần làm nhanh và lúc nào thì cần tập trung vào chi tiết.

Đặt nhiều hi vọng nhưng đừng đặt nhiều kì vọng. Thái độ này sẽ giúp bạn có trạng thái tinh thần tốt nhất khi thành công lẫn khi thất bại nếu thí nghiệm không thành.

Khi thất bại, đừng tự trách mình. Hãy coi đó là một kinh nghiệm xương máu.

Bất an là dấu hiệu của thay đổi, hoặc dấu hiệu cho biết nên thay đổi. Nếu bạn cảm thấy không ổn khi làm một dự án hoặc khi làm việc trong một lab nào đó, hãy coi sự bất an này là động lực để thay đổi nhằm giải quyết các vấn đề đằng sau đó.

Giả vờ tới khi thành sự thật. Hội chứng tự ti (impostorism) – là hội chứng tự thấy mình kém cỏi, cho rằng thành công của mình là do may mắn và do người khác giúp đỡ, và rằng người ta đã bỏ qua điểm yếu của bạn. Đây là hội chứng phổ biến trong giới khoa học. Hãy tạo nên sự tự tin bằng chính vị thế của bạn (“Tôi là nghiên cứu sinh, nên tôi sẽ cư xử như một nghiên cứu sinh”) và hãy học hỏi những người mà bạn nể trọng (postdoc hoặc nghiên cứu viên chính mà bạn ngưỡng mộ). Hơn hết, bạn nên tạo ra sự tự tin bằng cách hoàn thành tốt công việc của mình.

Cải thiện năng suất làm việc

Mỗi ngày phải hoàn thành ít nhất hai nhiệm vụ. Đây là điều tối quan trọng khi bạn đang bế tắc (thí dụ khi bạn làm ra kết quả ngoài dự kiến hoặc không ổn). Hãy luôn tiến lên trước.

Ưu tiên hoàn thành những việc bạn thích nhất. Nếu đó là việc nhỏ, ngắn hạn, thì nên làm ngay vào đầu buổi sang. Bạn sẽ có động lực cho cả ngày. Nếu đó là việc khó, dài hạn, thì cần lên kế hoạch và bắt tay vào làm. Một khi bạn đã lên kế hoạch cho thí nghiệm và nhận đủ hóa chất, bạn sẽ lần lượt giải quyết các thứ tiếp theo. Bạn sẽ biến một lý do trì hoãn thành động lực làm việc nghiêm túc.

Dành thời gian giải lao xen kẽ các giai đoạn làm việc tập trung. Mọi người làm việc tốt hơn nếu họ dành thời gian để giải lao.

Bắt đầu làm việc ngay đầu buổi sang, ngay sau khi bật máy tính. Tránh việc kiểm tra thư và các trang mạng ít nhất là một giờ sau khi bạn bắt đầu làm việc. Nhớ đặt đồng hồ báo thức. Tự thưởng cho mình một hồi giải lao sau giờ làm việc đó.

Hạn chế dùng thư và mạng xã hội. Email và lướt web là nơi tiêu tốn nhiều thời gian nhất. Hãy kiểm tra thư không quá 2 lần mỗi ngày. Nếu bạn chờ thư từ GS hướng dẫn, hãy để mắt tới hộp thư nhưng đừng có đắm chìm vào đó. Hãy tập trung vào việc chính.

Dùng lịch và aggregator online để tổ chức công việc. Như vậy bạn sẽ bao giờ lỡ một buổi họp, thí nghiệm, hay workshop. Aggregator (Ví dụ Evernote) có tính năng kết nối giữa các thiết bị mobile và máy tính sẽ giúp bạn theo dõi và truy cập thông tin (ví dụ các thông tin chi tiết về việc đặt mua thiết bị/hóa chất cho lab).

Kết

Trên con đường nghiên cứu chông gai, bạn có thể lường trước được được khá nhiều ổ gà. Thậm chí bạn có thể tránh được kha khá nếu tạo đủ động lực. Còn nếu đủ khôn ngoan, bạn sẽ chẳng gặp rắc rối nào hết.

Bằng cách làm theo các chiến lược trong bài này, bạn có thể đặt mục tiêu hoàn thành công việc cho từng ngày, và đặc biệt là hoàn thành đúng hạn để đạt được mục tiêu dài hạn. Hi vọng là trong vài năm tới, nhiều sinh viên khác sẽ nhìn bạn như một “Laura” hơn là “Derek”. Bạn không cần phải làm nghiên cứu sinh đến năm thứ 8 chỉ để ăn pizza miễn phí.

Tác giả Andrew Gaudet tốt nghiệp chương trình tiến sĩ tại Đại học British Columbia năm 2010 và hoàn thành chương trình postdoc đầu tiên tại Đại học Ohio State năm 2014. Anh đang bắt đầu chương trình postdoc thứ hai tại ĐH Colorado, Boulder. Gaudet gửi lời cảm ơn tới những đồng nghiệp và cố vấn của anh, những người đã đóng góp rất nhiều vào bộ sưu tập các chiến lược làm việc hiệu quả này.

Tác giả Andrew D. Gaudet, http://sciencecareers.sciencemag.org (Huyền Lê dịch)


Đăng nhận xét

0 Nhận xét