About Me

Siêu vũ trụ số đang khiến cả Mark Zuckerberg và CEO Binance ráo riết theo đuổi - Metaverse

Theo CEO Facebook, metaverse - hay siêu vũ trụ số - sẽ là cuộc cách mạng tiếp theo của internet trên toàn cầu.

Trong buổi báo cáo thu nhập gần đây vào cuối tháng Bảy, CEO Facebook, Mark Zuckerberg cho biết, tương lai của công ty không còn nằm ở mạng xã hội nữa mà là xây dựng một metaverse – cái được xem như một hiện thân mới của internet. Không chỉ ông chủ Facebook, từ metaverse còn liên tục được Changpeng Zhao, CEO của sàn giao dịch tiền số Binance nhắc đến trong nhiều dòng tweet của mình, thậm chí mới đây CEO Binance còn tham gia vào một hội thảo online cùng với mẹ của Elon Musk về chủ đề metaverse này.

Vậy metaverse là gì? Tại sao nó lại quan trọng đến mức nhiều hãng công nghệ hàng đầu thế giới hiện nay đều quan tâm đến nó như vậy?

Metaverse - Siêu vũ trụ số

Nói một cách ngắn gọn, metaverse – hay một siêu vũ trụ số – là nơi bất cứ thứ gì chúng ta có thể tưởng tượng ra đều tồn tại. Không chỉ nhìn thấy những vật thể ảo đó, bạn còn có thể tương tác với chúng, nghe thấy chúng và chạm vào chúng giống như trong thế giới thực.

Để đạt được các khả năng đó, metaverse sẽ cần đến các thành phần chủ chốt bao gồm khả năng kết nối rộng khắp, các đồng tiền mã hóa và mạng lưới mã hóa như Bitcoin hay Ethereum, eXtended Reality (XR – hay Thực tế Mở rộng) bao gồm cả VR và AR, cũng như các NFT.

Với khả năng kết nối mọi lúc mọi nơi với mọi người, siêu vũ trụ số này sẽ như một thế giới thứ hai của chúng ta. Nó mở rộng theo mọi giác quan, cả về tầm nhìn, âm thanh và xúc giác, khi mọi vật thể kỹ thuật số sẽ được hòa trộn vào thế giới thực hoặc đắm mình vào trong các môi trường hoàn toàn 3D bất cứ khi nào ta muốn. Các công nghệ để làm nên điều đó còn được biết đến với tên Thực tế Mở rộng (eXtended Reality – XR), bao gồm cả AR và VR.

Nếu vẫn thấy mơ hồ về điều này, hãy nhớ đến bộ phim rất nổi tiếng gần đây, "Ready Player One". Một bộ phim nói về viễn cảnh trong tương lai, khi phần lớn nhân loại sống trong một trò chơi mô phỏng thực tế ảo. Trong thế giới đó, người chơi có thể tương tác với môi trường xung quanh cũng như với người chơi bằng nhiều giác quan khác nhau, giống như họ thật sự đang sống trong thế giới đó.


Các ý tưởng về metaverse gần giống thế giới OASIS trong phim Ready Player One, nhưng còn rộng lớn hơn thế


Không chỉ vậy, người chơi còn có thể thay đổi vẻ ngoài của mình theo ý muốn, mua các vật phẩm ảo để sử dụng trong game. Không chỉ hữu dụng trong game, các vật phẩm này còn có giá trị ngoài đời thật khi người chơi có thể mua bán chúng và quy đổi ra tiền thật. Do vậy, các vật phẩm này trở nên rất quan trọng với người chơi, cả trong game cũng như ngoài thế giới thật.

Để tồn tại bền vững, điều tương tự cũng có trong metaverse. Hiện thị trường vật phẩm ảo đang có giá trị đến hơn 10 tỷ USD và chỉ riêng tựa game Fortnite đã có giá trị đến 1 tỷ USD. Nhưng vấn đề là các vật phẩm của Fortnite chỉ có thể giao dịch trong Fortnite và nếu Epic Games quyết định đóng cửa game này, thị trường tỷ USD này sẽ biến mất.

Đó là lý do metaverse sẽ cần đến các đồng tiền mã hóa, các mạng lưới mã hóa cũng như công nghệ NFT (các token không thể thay thế). Mỗi NFT là một vật phẩm kỹ thuật số có thể được tạo ra, đem bán hoặc trao đổi trên thị trường mở, cũng như được sở hữu và kiểm soát bởi bất cứ cá nhân nào, thay vì phải phụ thuộc vào sự cho phép hoặc hỗ trợ từ một công ty tập trung nào đó.

Metaverse giống như một thế giới kỹ thuật số với đầy đủ các chức năng như thế giới thật, do vậy nó cần đến các đồng tiền mã hóa cũng như NFT để người dùng có thể thu thập và trao đổi các vật phẩm ảo một cách an toàn.

Việc tồn tại như một thực thể độc lập, lâu bền khiến các NFT có giá trị trao đổi thật. Thậm chí nhiều giao dịch đấu giá các NFT kỹ thuật số đã mang về hàng triệu USD cho những người sở hữu chúng. Đây chính là sự khác biệt giữa các NFT và vật phẩm trong Fortnite: quyền sở hữu thực sự. Người mua các vật phẩm NFT này sẽ không phải lo lắng về việc một công ty nào đó dừng cung cấp dịch vụ hay đóng băng tài khoản của họ, cũng như chiếm đoạt vật phẩm đó.

Đây cũng là một đặc tính khác của metaverse – một hệ sinh thái mở, không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ công ty đơn lẻ nào. Điều đó cũng có nghĩa, metaverse không chỉ cần đến kết nối internet rộng khắp mà còn cả các tiêu chuẩn mở cho về ngôn ngữ lập trình, về truyền thông đa phương tiện, cũng như sổ cái phi tập trung để có thể tồn tại như một thực thể độc lập với các công ty khác.

Siêu vũ trụ số này có gì quan trọng mà Facebook và Binance muốn theo đuổi?

Đối với các công ty mạng xã hội như Facebook và tiền số như Binance, metaverse như một bước phát triển tất yếu của internet trong tương lai, khi các kết nối không chỉ giúp mọi người liên lạc với nhau dễ dàng hơn, mà còn làm việc, tương tác, gặp gỡ nhau trong các môi trường ảo một cách dễ dàng hơn với trải nghiệm chân thực hơn.

Trả lời phỏng vấn của trang The Verge về tầm nhìn của mình, Mark Zuckerberg, CEO Facebook cho rằng, metaverse sẽ là điều sẽ kế thừa cho internet di động. Nhưng không chỉ giới hạn trong một trò chơi như bộ phim Ready Player One, siêu vũ trụ số trong tầm nhìn của CEO Facebook còn là một thế giới số thực sự, nơi mọi người còn có thể làm việc, học tập hoặc gặp mặt nhau ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ lúc nào.

Tương lai đó chắc chắn hấp dẫn những hãng như Facebook hay Binance, thậm chí cả Apple và Microsoft khi họ đều đang sở hữu hoặc phát triển các công nghệ có thể đón đầu xu hướng đó.

Nếu một metaverse cần đến các đồng tiền mã hóa và công nghệ NFT dành cho những vật phẩm xuất hiện trong đó, Binance là hãng hứa hẹn sẽ đáp ứng được các yêu cầu này khi đang là một trong những sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới hiện tại. Nếu một metaverse được thành hình trong tương lai, những công ty như Binance chắc chắn sẽ có vai trò rất cần thiết đối với nó.

Với Facebook, tầm nhìn về một metaverse có lẽ đã khiến mạng xã hội chi tiền thâu tóm Oculus, hãng sản xuất thiết bị đeo VR phục vụ gaming. Ngoài ra không thể không kể đến khả năng kết nối người dùng thông qua các mạng xã hội mà Facebook đang sở hữu.

Mới đây nhất, Facebook còn giới thiệu phiên bản beta của Horizon Workrooms, một ứng dụng hướng tới việc quản lý công việc từ xa theo nhóm trong môi trường 3D, với các phòng họp ảo cùng khả năng video call tới 50 người. Thậm chí cách đây không lâu, Facebook vẫn còn ôm mộng phát hành một đồng tiền số của riêng mình. Nếu thành công, có thể đây cũng sẽ là một phần trong siêu vũ trụ số mà họ muốn hướng tới trong tương lai.

Không chỉ Facebook và Binance, tầm nhìn tương tự về tương lai của internet cũng được ông Satya Nadella, CEO Microsoft, nhắc đến khi nói về một "metaverse cho doanh nghiệp" trong buổi báo cáo thu nhập cuối tháng 7 vừa qua. Bản thân Microsoft cũng có HoloLens, thiết bị thực tế tăng cường cũng như mảng kinh doanh trò chơi đầy lợi nhuận. Tuy nhiên, cho đến nay, mảng thiết bị AR vẫn chỉ đóng góp một phần nhỏ trong tổng doanh thu khổng lồ của cả Microsoft.

Một ông lớn khác cũng có tiềm năng gia nhập sân chơi này chính là Apple. Dù chưa từng công khai thừa nhận, nhưng nhiều tin đồn cho thấy Apple cũng đang phát triển một thiết bị đeo VR và có thể còn có cả một thiết bị đeo Thực tế mở rộng XR trong tương lai. Những thiết bị này không chỉ bổ sung cho hệ sinh thái hiện tại của Apple, chúng còn có thể góp mặt vào một metaverse trong tương lai.

Tuy nhiên, tham gia tích cực nhất vào lĩnh vực này vẫn là Facebook và Binance. Với nền tảng sẵn có và là người đi sau trong cuộc cách mạng smartphone và internet di động, có lẽ hai hãng này đang mong muốn vượt lên trước trong cuộc đua hướng tới cuộc cách mạng tiếp theo của internet: tạo nên một siêu vũ trụ số.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét