About Me

Trẻ em nên giáo dục như thế nào?

Các nhà tâm lý và giáo dục vẫn thường nhấn mạnh đến giai đoạn phát triển rất quan trọng của trẻ nhỏ, từ ngay những năm tháng đầu đời cho đến những bậc học đầu tại các trung tâm giữ trẻ hay trường lớp. Không riêng sự phát triển về vấn đề ngôn ngữ mà sự hình thành và phát triển về trí tuệ, cảm xúc và tính cách của các em được xem là mang yếu tố quyết định trong việc hình thành một nhân cách khi trưởng thành. Trước câu chuyện cải cách giáo dục tại Việt Nam hiện nay với ý tưởng rằng, “phụ huynh đừng can thiệp, hãy để việc giáo dục trẻ nhỏ cho thầy cô, trường lớp làm” vẫn còn đang được nhiều người quan tâm, mời các bạn cùng chúng tôi tìm hiểu thêm về giai đoạn phát triển này, cũng như vai trò và ảnh hưởng của cha mẹ đến các em ra sao.


Giáo dục tuổi ấu thơ (Early Childhood Education) là khái niệm chỉ việc giáo dục trẻ em trong những năm tháng đầu tiên của cuộc đời, từ khi sinh ra cho đến khi vào mẫu giáo hay lớp Một, là một trong những giai đoạn quan trọng và đóng vai trò rất lớn trong việc hình thành và ảnh hưởng lớn đến nhận thức, hành xử khi trưởng thành. Giáo dục tuổi ấu thơ chủ yếu tập trung vào việc cho trẻ em học hỏi và phát triển trí tuệ thông qua chính quá trình các em tham gia các trò chơi, vui đùa với anh chị em, cha mẹ tại nhà hay cùng bạn bè trong trường học. Những chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực này và các nhà giáo dục cho trẻ nhỏ đều đồng ý rằng, cha mẹ đóng một vai trò chính yếu, không thể tách rời trong tiến trình giáo dục cho trẻ em ở những năm đầu tiên này.

Trái với suy nghĩ và sự tin tưởng khá phổ biến nơi một số người rằng, “đây là độ tuổi quá nhỏ để nhận biết điều gì” thì giới khoa học và tâm lý học đã chứng minh rằng, hai hay ba năm đầu tiên của một đứa bé là khá quan trọng và được dành ra để xây dựng nên khái niệm về bản thân của các em. Não bộ của các em được phát triển theo hệ thống giác quan của mình như thấy, nghe, cảm nhận, mùi vị … Được nhìn những hình ảnh vui mắt, được nghe cha mẹ hát, đọc truyện, được vỗ về, yêu thương…, tất cả những điều này sẽ truyền những tín hiệu tích cực vào não bộ và sự phát triển của nó. Ðây là một phần trọng yếu trong sự hình thành nhân cách của trẻ. Trẻ nhìn nhận bản thân như thế nào, trẻ nghĩ mình sẽ cư xử như thế nào, trẻ mong muốn người khác sẽ cư xử như thế nào trong mối liên hệ với trẻ cho dù chưa nói hay diễn bày rõ ràng được suy nghĩ của mình, một cách vô thức hay ý thức. Vì lý do đó, trong giai đoạn này cha mẹ cần cẩn trọng trong việc tìm chọn những người/trung tâm chăm sóc trẻ thích hợp nếu buộc phải làm điều này. Có thể không có những vụ “bảo mẫu” tại các nhà giữ trẻ bạo hành, đánh đập trẻ nhỏ như trong xã hội Việt Nam hiện nay, điều không chỉ gây nguy hại đến thể chất mà còn tạo những chấn thương tinh thần lâu dài trong tiến trình phát triển của các em, mà những thái độ la hét, nóng nảy, thiếu kiên nhẫn, không thật lòng yêu trẻ của những người giữ trẻ cũng có thể tạo ra ảnh hưởng xấu.


Những năm tiếp theo, từ 3 đến khoảng 7 tuổi, là giai đoạn mà tầm quan trọng của việc giáo dục cho trẻ nhỏ thường bị đánh giá thấp một cách sai lầm, bị đánh đồng với việc trông giữ trẻ. Các nghiên cứu khoa học cũng đã chỉ ra rằng, giai đoạn này đóng vai trò lớn trong việc phát triển tư duy, nhân cách, và có ảnh hưởng nhiều trong suốt cuộc đời. Ở tuổi lên 5, 50% cấu trúc não bộ của các em đã được hoàn thiện và đến 8 tuổi thì con số này là 80%. Sự thực khác là đây cũng chính là giai đoạn trẻ dễ tiếp thu, học hỏi cái mới nhất. Não bộ có khả năng tiếp nhận, học hỏi nhanh nhất và dễ dàng nhất trong những năm tiền mẫu giáo cho đến bậc học đầu tiên tại trường. Vì vậy những nhà nghiên cứu đã gọi giai đoạn này là “cánh cửa cơ hội” (Window of Opportunity) mà trẻ cần phải nhận được sự quan tâm giáo dục, chăm sóc thích đáng để bộc tả hết khả năng trong tương lai, không chỉ được nhắm đến việc đánh vần, học chữ hay làm toán. Ở giai đoạn này, cha mẹ còn cần phải tập trung thêm vào cả mối liên kết của trẻ với cha mẹ, anh chị, họ hàng, văn hóa và ngôn ngữ của gia đình. Do đó những trung tâm giữ trẻ, các cô giáo chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho gia đình chứ không phải là sự thay thế.

Một chương trình giáo dục trẻ ở tuổi nhỏ là FasTracKids đã thực hiện các cuộc nghiên cứu và nhấn mạnh đến mức quan trọng của những kỹ năng xã hội (non-cognitive abilities) và cảm xúc (EQ) được hình thành hay vun đắp ở độ tuổi này quan trọng và ảnh hưởng đến thành công về lâu dài, cả trong trường học và đời sống, hơn là chỉ nhắm đến sự thông minh, học giỏi (IQ). Có năm lĩnh vực chính trong việc giáo dục trẻ nhỏ và bản thân chúng cũng liên quan chặt chẽ với nhau, trong mô hình được gọi là SPICE (Social- Physical- Intellectual- Creative- Emotional).

– Xã hội (Social): Chỉ khả năng giao tiếp, vui chơi với những trẻ khác, hợp tác và chia sẻ, và có khả năng tạo ra những quan hệ lâu dài với người khác.

– Thể chất (Physical): Sự phát triển thể chất và thể lực.

– Trí tuệ (Intellectual): Tiến trình nhận biết và tìm hiểu về thế giới xung quanh trẻ.

– Sáng tạo (Creative): Phát triển những khả năng đặc biệt và năng khiếu. Âm nhạc, hội họa, viết, đọc, ca hát, nhảy múa … tất cả đều là những cách để phát triển sự sáng tạo.

– Cảm xúc (Emotional): Xây dựng khái niệm về bản thân, sự tự tin, tự nhận biết và kiểm soát cảm xúc.

Để đạt đến mục tiêu giáo dục toàn diện cho các em theo mô hình trên, Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ và các tiểu bang khuyến khích có một sự hợp tác giữa cha mẹ, xã hội và trường học. Bởi đây là một nhiệm vụ khó khăn và là trách nhiệm chung trong việc huấn luyện những thế hệ mới của quốc gia. Cha mẹ càng gắn kết, tham gia vào các hoạt động liên quan đến trường học sẽ giúp các em yêu thích và nhận thức được sự cần thiết của học vấn, không chỉ thăng tiến trong việc học mà cả những vấn đề kỷ luật, kỹ năng xã hội, sự tự tin… Mặt khác, chính mối liên lạc này sẽ giúp cho chính cha mẹ hiểu được chương trình học, việc giáo dục con cái mình tại trường lớp đang diễn ra như thế nào, giúp cho tiến trình làm cha, làm mẹ được hữu hiệu, có nhiều thông tin hơn hoặc có thể có những phản đáp tích cực và kịp thời đến thầy cô, trường học cùng giới hữu trách về những điều chưa hoàn chỉnh hay tác động xấu. Nếu không có nhiều thời gian để trực tiếp tham gia các công việc thiện nguyện thì tối thiểu cũng cần theo dõi các thông báo, tham dự các cuộc họp hội phụ huynh hay những ngày gặp gỡ riêng với thầy cô giáo được diễn ra vài lần trong niên học. Cũng vậy, cộng đồng và xã hội là một nguồn tài lực to lớn để hỗ trợ cho trường học, cho các em những cơ hội tiếp xúc với thế giới thật sau những bài học lý thuyết. Những chuyến thăm viếng bảo tàng nghệ thuật, lịch sử hay các nhà hát … do nhà trường tổ chức (field trip) nằm trong mục đích này.

Câu chuyện cải cách phản giáo dục tại Việt Nam hiện nay không ảnh hưởng gì đến việc giáo dục con cái chúng ta tại hải ngoại, ngoài việc tạo sự quan tâm với những người luôn theo dõi những câu chuyện thời sự nước nhà. Nhưng nhắc đến việc này để hiểu rõ hơn về vai trò của cha mẹ trong các giai đoạn phát triển tâm sinh lý khác nhau của con cái mình. Vấn đề liên quan đến giáo dục tuổi ấu thơ vừa trình bày không chỉ gói gọn trong những gì trẻ tiếp nhận và hành xử ngay trong độ tuổi này mà có ảnh hưởng tới khả năng học tập, phát triển, tư duy, cá tính, khả năng thành công của trẻ trong những năm tháng tiếp theo tại trường học và suốt cả cuộc đời. Và chắc chắn nó không chỉ giới hạn trong độ tuổi ấu thơ mà sẽ còn tiếp tục dựa trên nền tảng này, cho đến khi các em trở thành những công dân trưởng thành có đầy đủ tri thức cùng một nhận thức và kỹ năng xã hội cần thiết.

Source: Early Childhood Education

Đăng nhận xét

0 Nhận xét